Phát hiện nhiều di tích, di vật mới tại huyện Thanh Liêm

Trong các di tích khảo cổ học có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hà Nam là di chỉ cư trú hang động tại hang Chuông và hang Gióng Lở thuộc xã Thanh Nghị (Thanh Liêm). Quá trình khảo sát đó đã phát hiện được một số hiện vật mang những nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Để tìm hiểu rõ hơn khu vực này cũng như một số khu vực khác trên địa bàn huyện Thanh Liêm thông qua hoạt động khai quật khảo cổ học, vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát tại hang Chuông, chùa Địa Tạng Phi Lai và núi Khê Non.

Trong các di tích khảo cổ học có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hà Nam là di chỉ cư trú hang động tại hang Chuông và hang Gióng Lở thuộc xã Thanh Nghị (Thanh Liêm). Quá trình khảo sát đó đã phát hiện được một số hiện vật mang những nét đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Để tìm hiểu rõ hơn khu vực này cũng như một số khu vực khác trên địa bàn huyện Thanh Liêm thông qua hoạt động khai quật khảo cổ học, vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát tại hang Chuông, chùa Địa Tạng Phi Lai và núi Khê Non.

Hiện nay, hang Chuông thuộc phần đất của Công ty Thành Thắng là doanh nghiệp khai thác đá. Cửa hang quay về hướng Đông Nam, nền hang được láng xi măng, từ nền đến trần hang cao 23,4m, xung quanh vách hang còn các mảng vỏ ốc bám chặt. Căn cứ trên vách hang, từ vị trí có vỏ ốc xuống đến nền hang được phân thành 2 lớp, theo trật tự từ trên xuống dưới. Lớp trên là lớp vỏ ốc, dày 6,0m và lớp dưới là lớp vỏ ốc lẫn với đá và công cụ, dày 5,2m. Qua khảo sát và theo dấu tích còn lại, thì đây được đánh giá là di tích hang động có tầng văn hóa dày nhất trong số các hang động thuộc văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, lớn hơn cả hang Con Moong nằm trong Quần thể di tích và danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận và có thể đứng thứ 2 ở Đông Nam Á. Qua đó, có thể thấy hang Chuông từng giữ vai trò là trung tâm của một cụm hang động có cư dân sinh sống.

Chùa Địa Tạng Phi Lai.

Chùa Địa Tạng Phi Lai.

Thuộc xã Liêm Sơn, chùa Địa Tạng Phi Lai nằm ở vị trí chân phía Đông của núi Đùng, thuộc dải núi Khê Non, có 3 khe suối chảy từ trên đỉnh núi xuống khu vực chùa. Trong 3 khe suối, khe số 1 không phát hiện được dấu tích vật chất (di tích và di vật), mà chủ yếu phát hiện tập trung ở khu vực của khe suối thứ 2 và 3. Mở rộng điều tra, khảo sát ra bên ngoài khu vực khe suối số 2 và 3, tức là tính từ suối ra bán kính rộng khoảng 50m đến 100m đã phát hiện được một số vị trí có nền móng của công trình kiến trúc. Trong quá trình phát quang, cải tạo không gian cảnh quan ở núi phía Nam, đã phát lộ được di tích nền móng tháp thời Trần. Theo hiện trạng, nền móng tháp được xây dựng trên nền đá gốc của núi, vị trí này, đá gốc được san bạt khá bằng phẳng, đá dăm được rải đều.

Trong khu vực chùa hiện nay, toàn bộ di vật phát hiện được tại khu vực chùa và các khe suối trong quá trình cải tạo, sửa chữa cảnh quan đã được sư trụ trì lưu giữ, bảo quản rất cẩn thận, được phân loại sơ bộ và trưng bày trên giá, điều đó cho thấy nhà chùa đã rất trân trọng gìn giữ những di vật của khu vực này. Bộ sưu tập có số lượng lớn, với nhiều loại hình di vật phong phú, như: vật liệu xây dựng (gạch, ngói, mảnh tháp, mô hình tháp...), đồ dùng sinh hoạt (bát, đĩa, bình vôi, lọ hoa,...) có niên đại từ thời Trần (thế kỷ 13) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19), nhưng đậm đặc nhất và chiếm số lượng nhiều nhất là hệ thống các di vật của thời Trần (thế kỷ 13-14). Với các đặc điểm về niên đại, bộ sưu tập này có giá trị và ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần vào việc nghiên cứu mảnh đất Hà Nam thời Trần, đặc biệt có giá trị trong việc trưng bày, tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Hà Nam.

Khảo sát các dấu tích tại khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai.

Khảo sát các dấu tích tại khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai.

Từ các phát hiện về di tích và di vật tại khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai, đoàn khảo sát đã tiến hành mở rộng phạm vi ra toàn bộ khu vực dải núi nhằm tìm kiếm thêm các dấu tích góp phần tìm hiểu giá trị chung và tầm quan trọng của núi Khê Non trong lịch sử. Hiện trạng các di tích khu vực núi Khê Non cho thấy, ngoại trừ chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Tiên, chùa Cây Thị được quan tâm trùng tu để trở thành nơi thu hút các thiện nam, tín nữ đến tu tập, chiêm bái, còn lại hầu hết các di tích đã bị phá hủy, dấu tích hiện còn chỉ là phần nền móng hoặc các di vật là vật liệu xây dựng công trình, như: gạch, ngói, chân tảng đá kê cột được ghi nhận trên mặt đất hoặc được nhân dân phát hiện trong quá trình sinh hoạt, trong đó, đặc biệt là chùa Bảo Lâm. Khu vực dấu tích chùa Bảo Lâm cho thấy, đây là một ngôi chùa có quy mô rất lớn trong lịch sử, có thể tương đương hoặc lớn hơn so với chùa Địa Tạng Phi Lai. Do vậy, tiến hành khai quật khảo cổ ở khu vực chùa Bảo Lâm sẽ cung cấp nguồn tư liệu giúp cho việc đánh giá giá trị và vị trí vai trò của dải núi Khê Non nói chung và di tích chùa Bảo Lâm nói riêng trong tiến trình lịch sử của vùng đất để cùng với các phát hiện ở chùa Địa Tạng Phi Lai sẽ đóng góp vào việc tìm hiểu Phật Giáo Trúc Lâm trên mảnh đất Hà Nam.

Chu Bình

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/phat-hien-nhieu-di-tich-di-vat-moi-tai-huyen-thanh-liem-56336.html