Phát hiện quả cầu vũ trụ gần như hoàn hảo ẩn mình dưới mặt phẳng ngân hà, bí ẩn về kích thước và khoảng cách

Một nhóm các nhà thiên văn học đã công bố phát hiện gây chú ý: Một tàn dư siêu tân tinh có hình cầu gần như hoàn hảo và độ sáng mờ nhạt, được đặt tên là Telios, nằm ngay bên dưới mặt phẳng thiên hà của dải ngân hà.

Telios - tên gọi xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "hoàn hảo" - được phát hiện qua các hình ảnh vô tuyến do kính viễn vọng Australian Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP) ở Tây Úc chụp lại, thuộc dự án "Bản đồ tiến hóa của vũ trụ". Đây là một tàn dư siêu tân tinh (SNR), tức đám mây khí và bức xạ đang mở rộng sau vụ nổ của một ngôi sao.

Thông thường, các SNR có hình cầu mờ nhạt do vụ nổ siêu tân tinh lan ra mọi hướng, tuy nhiên theo thời gian, nhiều tàn dư bị biến dạng do ảnh hưởng từ các vụ nổ khác hoặc gió sao. Việc phát hiện một tàn tích có hình dạng đối xứng gần như hoàn hảo như Telios là điều vô cùng hiếm gặp. Trong nghiên cứu được tải lên máy chủ arXiv vào ngày 7/5 và đã được chấp nhận đăng trên tạp chí Publications of the Astronomical Society of Australia, các nhà nghiên cứu mô tả Telios là một trong những SNR tròn trịa nhất từng được ghi nhận trong dải Ngân Hà.

Siêu tân tinh mới được phát hiện có biệt danh là Telios, gần như có hình tròn hoàn hảo. Ảnh: Filipović et al. 2025, arXiv.

Siêu tân tinh mới được phát hiện có biệt danh là Telios, gần như có hình tròn hoàn hảo. Ảnh: Filipović et al. 2025, arXiv.

Điều khiến Telios càng trở nên khác thường là độ sáng cực thấp, điều này đặt ra giả thuyết rằng nó hoặc còn rất trẻ, hoặc đã cực kỳ già. Tuy nhiên, dựa trên hình dạng tròn gần như hoàn hảo, các nhà nghiên cứu nghiêng về khả năng Telios là một SNR trẻ, bởi phần lớn các tàn dư sẽ bị biến dạng theo thời gian.

Do độ sáng yếu, việc xác định khoảng cách của Telios đến trái đất trở nên rất khó khăn, khiến kích thước thực tế của nó vẫn là một ẩn số. Các ước tính cho thấy nó có thể cách trái đất từ 7.170 đến 25.100 năm ánh sáng và có đường kính từ 45,6 đến 156,5 năm ánh sáng - tức lớn hơn hệ mặt trời hàng chục lần.

Telios nằm dưới mặt phẳng thiên hà, tức khu vực tập trung phần lớn vật chất, ngôi sao và hành tinh - trong đó có cả hệ mặt trời - xoay quanh hố đen siêu lớn ở trung tâm dải Ngân Hà. Vị trí bất thường này càng làm phức tạp thêm việc xác định khoảng cách và kích thước chính xác của vật thể. Tuy nhiên, Telios vẫn thuộc về thiên hà của chúng ta.

Các SNR có hình cầu hoàn hảo là cực kỳ hiếm. Trong quá khứ, chỉ một vài vật thể tương tự được phát hiện trong các thiên hà lùn quay quanh Ngân Hà như SN1987A và MC SNR J0509–673 trong Đám mây Magellan Nhỏ (SMC), và SNR J0624–6948 trong Đám mây Magellan Lớn (LMC).

Theo các nhà thiên văn, có hai kiểu siêu tân tinh có thể tạo ra SNR hoàn hảo: siêu tân tinh do sao khổng lồ đỏ sụp đổ lõi, hoặc siêu tân tinh loại Ia - kết quả từ vụ nổ dữ dội của các sao nhỏ hơn. Trong trường hợp của Telios, giả thuyết siêu tân tinh loại Ia được cho là phù hợp hơn, bởi các sao khổng lồ đỏ rất hiếm xuất hiện ngoài mặt phẳng thiên hà.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu thừa nhận hiện chưa có bằng chứng trực tiếp để xác định chắc chắn nguồn gốc của Telios. “Mặc dù chúng tôi cho rằng kịch bản loại Ia có khả năng xảy ra cao nhất, chúng tôi lưu ý rằng không có bằng chứng trực tiếp nào có thể xác nhận chắc chắn bất kỳ kịch bản nào và cần có những quan sát mới có độ nhạy và độ phân giải cao về vật thể này”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong báo cáo khoa học.

Telios hiện vẫn là một bí ẩn lớn trong vũ trụ học, đòi hỏi thêm nhiều quan sát và nghiên cứu để giải mã hình dạng, nguồn gốc và vị trí thực sự của nó.

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/phat-hien-qua-cau-vu-tru-gan-nhu-hoan-hao-an-minh-duoi-mat-phang-ngan-ha-bi-an-ve-kich-thuoc-va-khoang-cach/20250523034727604