Phát hiện 'Rồng lạnh' - sinh vật lạ sải cánh 10m tàn sát muôn loài
Một sinh vật khổng lồ màu trắng - đỏ, nặng tới 250 kg, từng tung hoành trên bầu trời khu vực gần Bắc Cực đã được các nhà cổ sinh vật học trình làng.Có thể bạn quan tâm
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ David Hone, giám đốc chương trình sinh học tại Đại học Queen Mary (London, Anh), vừa tái hiện lại chân dung sinh vật vĩ đại mà họ gọi là "Rồng Lạnh của những cơn gió phương Bắc".
Sinh vật lạ lùng đã tuyệt chủng này có tên khoa học Cryodrakon, là một thằn lằn bay pterosaur từng tung hoành trên bầu trời 77 triệu đến 74 triệu năm về trước, thuộc kỷ Phấn Trắng. Thằn lằn bay chính là cụm từ chỉ những con khủng long có cánh to lớn.
Bộ xương tương đối đầy đủ của một Cryodrakon đã được tìm thấy tại Alberta - Canada tận 30 năm về trước. Khi đó, nó được cho là của một loài thằn lằn bay đã biết. Nhưng các phân tích kéo dài hàng thâp kỷ sau đó dần hé lộ chân dung một sinh vật chưa từng biết. Sinh vật được tìm thấy có sải cánh rộng tới gần 5 mét, tức hơn gấp đôi những con đại bàng đầu trắng to lớn nhất. Tuy nhiên nó… chỉ là một con non!
Các bước đo đạc cho thấy một con "Rồng Lạnh" trưởng thành có thể có sải cánh lên tới 10 m và nặng… 250 kg, tương đương một con cái trung bình thuộc loài gấu xám Bắc Mỹ. Tuy đồ sộ thế, nó vẫn bay lượn tài tình và gây ám ảnh trên bầu trời phương Bắc một thời. Thức ăn của nó chủ yếu là các động vật được coi là nhỏ thời đó như động vật có vú và cả một số khủng long con.
Với kích thước đó, "Rồng Lạnh" to lớn tương đương Quetzalcoatlus, người anh em thằn lằn bay quái dị từng được so sánh với một chú hươu cao cổ mỗi khi đậu xuống đất.
Nhà cổ sinh vật học David Maas đã đồ họa lại hình ảnh con vật trong sắc màu đỏ - trắng trông… khá giống quốc kỳ Canada. Họ thừa nhận lựa chọn màu sắc này có "một chút vui vẻ", bởi không có bằng chứng hóa thạch trực tiếp nào về da của con vật. Tuy nhiên đó là một bảng màu hợp lý, dựa trên những hiểu biết trước đây về màu sắc của thằn lằn bay kỷ Phấn Trắng.
Nghiên cứu vừa được công bố trên Journal of Vertebrate Paleontology.