Phát hiện siêu vi khuẩn nguy hiểm chết người ngoài tự nhiên
Theo AP ngày 23-3 đưa tin, các nhà khoa học Mỹ vừa công bố thông tin về loài siêu vi khuẩn nguy hiểm mang tên Candida auris (C. auris). Đây thực chất là một loại nấm có khả năng 'tấn công' máu, hệ thần kinh trung ương và các cơ quan nội tạng của bệnh nhân.
Loại siêu vi khuẩn này gần đây đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các nhà khoa học vì khả năng kháng nhiều loại thuốc. Chúng cũng dễ gây nhầm lẫn nên khó bị phát hiện thời gian đầu lúc bệnh nhân nhiễm, thậm chí gây nhầm lẫn với các loại nấm thông thường khác.
C. auris được phân lập lần đầu tiên từ ống tai của một phụ nữ Nhật Bản 70 tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Tokyo Metropolitan ở Nhật Bản vào năm 2009. Tuy nhiên, trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện đầu tiên là vào năm 2011 tại Hàn Quốc. Sau đó, chúng lan rộng khắp Châu Á và Châu Âu, C. auris tiếp tục được phát hiện tại Mỹ vào năm 2013 nhưng đây là lần đầu tiên chúng xuất hiện ngoài tự nhiên ở một bãi biển thuộc quần đảo Andaman (Ấn Độ).
Thống kê cứ 3 người nhiễm C. auris, thì có một trường hợp tử vong. Theo chủ nhiệm khoa Vi sinh phân tử thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Mỹ - tiến sĩ Arturo Casadevall cho biết, C. auris dường như đã tiến hóa để có thể phát triển tốt bất chấp nhiệt độ của cơ thể người. Các khu vực siêu vi khuẩn này được tiếp xúc trực tiếp với con người cho thấy chúng có thể lây lan nhanh và thích ứng với cơ thể người tốt hơn khi chúng ở những nơi "hoang dã".
Các nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo C. auris có thể chỉ là một trong những siêu vi khuẩn có thể xuất hiện trong tương lai bởi việc thay đổi khí hậu toàn cầu và môi trường tự nhiên bị ô nhiễm nặng nề. Thậm chí những đại dịch như nCoV có thể xuất hiện thường xuyên và ngày càng nguy hiểm hơn.