Phát hiện số lượng lớn tiền xu cổ ở xã Thanh Quang

Ngày 11.8, Bảo tàng tỉnh nhận được thông tin của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Hà về việc người dân ở thôn Nhân Hiền, xã Thanh Quang phát hiện số lượng lớn tiền xu cổ.

Cán bộ đoàn khảo sát tìm hiểu về số tiền xu cổ thu được trên đất nhà anh Lê Văn Cơ ở thôn Nhân Hiền

Cán bộ đoàn khảo sát tìm hiểu về số tiền xu cổ thu được trên đất nhà anh Lê Văn Cơ ở thôn Nhân Hiền

Ngay sau đó, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, UBND xã Thanh Quang tiến hành khảo sát thực địa.

Các di vật được phát hiện tại khu vườn trước của nhà anh Lê Văn Cơ (sinh năm 1981) ở thôn Nhân Hiền. Anh Cơ cho biết ngày 8.8, trong quá trình đào đất làm lối đi trong vườn, anh phát hiện nhiều đồng tiền xu ở độ sâu từ 100 - 120 cm so với mặt đất. Sau 3 ngày tìm kiếm, gia đình anh đã đưa toàn bộ số lượng tiền xu về tập kết trước sân nhà và báo cáo chính quyền xã.

Nơi phát hiện tiền xu là vị trí của thôn Nhân Hiền, xã Hợp Đức cũ. Vào năm 1925, Nhân Hiền có tên gọi là Hiền Võng - một xã thuộc tổng Lại Xá, huyện Thanh Hà (theo trang 18 tập I Địa chí Hải Dương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia). Căn cứ các tài liệu lịch sử, tại đây vào năm 1535, vua Mạc Phúc Nguyên đã cho quân lính đào kênh lớn từ Mũi Gươm đến sông Hương, nối liền sông Thái Bình và sông Văn Úc nhằm tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy. Tên sông Vua được hình thành từ đó (nay gọi là sông Gùa). Từ đó, Hợp Đức trở thành một xã ở đầu khu Hà Đông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện cải cách hành chính, Hiền Võng đổi thành Nhân Hiền, trở thành 1 trong 4 thôn của xã Hợp Đức. Kinh tế - xã hội nơi này phát triển đã thu hút nhiều dòng họ cùng sinh sống, trong đó có 7dòng họ được xác định cư trú lâu đời nhất gồm: Phạm, Nguyễn, Đồng, Đặng, Quán, Trịnh, Lê.

4 loại tiền xu

Từ ngày 1.12.2019, 3 xã Thanh Bính, Hợp Đức và Trường Thành hợp nhất thành xã Thanh Quang. Vị trí nơi phát hiện tiền xu cổ được xác định như sau: phía đông giáp cánh đồng của thôn Nhân Hiền (cách sông Văn Úc khoảng 1 km); phía tây giáp hội trường UBND xã Hợp Đức cũ (giáp sông Bá Hoàng); phía nam giáp Trường Tiểu học Thanh Quang cơ sở I (giáp xã Trường Thành cũ) và phía bắc giáp khu dân cư thôn Nhân Hiền (giáp sông Gùa).

Xa xưa, đất của gia đình anh Cơ rất rộng, nay thu hẹp còn khoảng 720 m2. Theo anh Cơ, dòng họ Lê nhiều đời nắm giữ chức sắc trong vùng như Lý trưởng Lê Mạnh Thực, Chánh tổng Lê Văn Đỗ, Lê Văn Vinh. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều hộ dân gần nhà anh cũng tìm được tiền xu cổ nhưng số lượng ít.

Theo đoàn khảo sát, số di vật thu được gần 40.000 đồng tiền xu (trọng lượng khoảng 1 tạ), sau khi nghiên cứu, xem xét gồm 4 loại tiền: Gia Long thông bảo (1802 - 1819), Minh Mệnh thông bảo (1820 - 1840), Thiệu Trị thông bảo (1841 - 1847), Tự Đức thông bảo (1848 - 1883).

Phần lớn tiền xu vào thời Gia Long, Minh Mệnh, số ít còn lại vào thời Thiệu Trị và Tự Đức. Tiền xu có chất liệu bằng kẽm, đã bị ô xy hóa, kết dính. Khi mới phát hiện, tiền được xiên thành từng xâu nhỏ, xếp chồng lên nhau, chôn thành đống trong khoảnh đất dài khoảng 100 cm, rộng 40 cm, cao 50 cm. Tiền xu có đường kính 2,4 cm, chính giữa có lỗ vuông rộng 0,5 cm. Các lỗ hình vuông được khoét để xâu tiền lại khi sử dụng cho thuận tiện.

Trong thời đại phong kiến, tiền có giá trị lâu dài, người thời sau được phép sử dụng tiền của người thời trước (thời Nguyễn tiêu tiền thời Lê). Căn cứ lịch sử vùng đất và dòng họ, nhiều khả năng số tiền xu cổ trên của dòng họ Lê cất giấu. Để phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận một số đồng tiền xu còn rõ chữ của 4 loại tiền trên, số lượng còn lại hướng dẫn gia đình tạm bảo quản.

HOÀNG HƯƠNG - PHƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/phat-hien-so-luong-lon-tien-xu-co-o-xa-thanh-quang-176252