Phát hiện sớm, can thiệp sớm giúp trẻ khuyết tật hội nhập xã hội và có cuộc sống tốt đẹp hơn
Đó là chủ đề chính của Khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực phát hiện sớm - can thiệp sớm trẻ em khuyết tật cho các giảng viên nguồn tuyến tỉnh của 45 tỉnh/thành, vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội.
Không bỏ lỡ “cơ hội vàng” can thiệp sớm, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng đối với trẻ khuyết tật
Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nhằm nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn, tổ chức thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật hiệu quả cao, ngày 19/12, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại 270 điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu tại khóa tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương cho biết: “Hiện nay, ngành Phục hồi chức năng Việt Nam đã trở thành một thành phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam, đúng theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới “Cùng với công tác nâng cao sức khỏe, phòng bệnh và khám, chữa bệnh, công tác phục hồi chức năng là một trong 4 nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế”.
Theo số liệu từ WHO, trên thế giới năm 2019, cứ 3 người thì có 1 người gặp phải tình trạng sức khỏe cần phục hồi chức năng (PHCN). Tỷ lệ hiện mắc các bệnh cần PHCN trên thế giới là 31.200/100.000 dân, tương đương 2,4 tỷ người.
Tại Việt Nam, Báo cáo Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật năm 2016 do Tổng cục Thống kê công bố: tỷ lệ người khuyết tật cao, chiếm trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật. Khoảng 1,2 trẻ em khuyết tật độ tuổi 0-17 tuổi (chiếm 3,1% trẻ trong độ tuổi này), trong đó số trẻ < 6 tuổi có tỷ lệ khuyết tật chiếm 1,39% trẻ cùng độ tuổi.
Loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em trong điều tra tại cộng đồng là khuyết tật về vận động chiếm 22,4% và khuyết tật về nói chiếm 21,4% tổng số trẻ khuyết tật.
Nguyên nhân chính của tình trạng khuyết tật ở trẻ em là do khuyết tật bẩm sinh (chiếm 55,0%-64,6%) và do bệnh tật (chiếm 23,5%-29,1%). Có khoảng một nửa số trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và khoảng 90% số trẻ em khuyết tật sống tại các trung tâm bị khuyết tật nặng, tình trạng đa khuyết tật gặp khá thường xuyên (có 2,79% trẻ từ 2-17 tuổi khuyết tật; 2,74% trẻ từ 2-4 tuổi khuyết tật; 2.81% trẻ từ 5-17 tuổi khuyết tật (Unicef)).
Trước thách thức đó, việc phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em hết sức quan trọng do có tác động tích cực tới trẻ, cha mẹ, gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng dân số, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hội nhập xã hội và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đối với trẻ: Nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm nhiều trẻ khuyết tật sẽ phục hồi tốt và trở thành trẻ bình thường (ví dụ: trẻ bị bàn chân khoèo bẩm sinh hoặc trật khớp háng bẩm sinh, trẻ tự kỷ nhẹ có chỉ số IQ bình thường); Một số trẻ khuyết tật khác có thể phát triển được các kỹ năng gần như trẻ bình thường (ví dụ: trẻ chậm phát triển vận động hoặc ngôn ngữ so với tuổi, trẻ bại não liệt nửa người hoặc hai chân mức độ nhẹ); Một số trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội (ví dụ: trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp, tuy không đi lại được nhưng ngồi xe lăn vẫn có thể đi học).
Đối với cha mẹ và gia đình trẻ khuyết tật: Phát hiện sớm giúp cha mẹ, gia đình trẻ có định hướng đúng để can thiệp PHCN hiệu quả nhất cho con. Can thiệp sớm khiến cha mẹ bị lôi cuốn một cách tích cực vào quá trình can thiệp, qua đó, phát hiện được khả năng và tiềm năng của bản thân trẻ. Nhờ can thiệp sớm, cha mẹ có thái độ, hành vi đúng mực với các vấn đề của trẻ, có kỹ năng xử trí với các vấn đề của trẻ, tăng cường tương tác trẻ - cha mẹ…
Đối với xã hội: Can thiệp sớm giúp xã hội nhận thức được thực tế có nhiều trẻ có vấn đề về phát triển trong cộng đồng và quyền được hỗ trợ của trẻ em; Can thiệp sớm cũng làm trở thành trẻ bình thường, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ, và do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội do tội phạm, thất nghiệp, hoặc trợ cấp xã hội giúp nâng cao chất lượng dân số.
Quyết tâm trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương khẳng định, phòng ngừa khuyết tật và phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em là mục tiêu hàng đầu, hết sức quan trọng trong Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023.
Với mục tiêu chung: “Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội".
Mục tiêu cụ thể: “Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng”.
Theo đó, hoạt động tập huấn kiến thức phát hiện và can thiệp sớm trẻ khuyết tật cho cán bộ y tế là hết sức cần thiết để cán bộ y tế nắm được thông tin hướng dẫn chuyên môn, phòng ngừa khuyết tật, sàng lọc khuyết tật trẻ em trong cộng đồng và can thiệp, chuyển tuyến phù hợp.
TS.Vương Ánh Dương đề nghị, trong thời gian tập huấn, các đồng chí học viên sẽ tập trung học tập nắm được kiến thức lý thuyết, học tập kỹ năng thực hành để nắm được kiến thức về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật, triển khai áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ của nhân viên y tế và tham mưu Sở Y tế triển khai Chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật tại địa phương.
Đối với các đồng chí giảng viên, ngoài việc giới thiệu về hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn sàng lọc khuyết tật và thực hành, đề nghị giới thiệu, chia sẻ về các kinh nghiệm về phát hiện sớm – can thiệp sớm trẻ em khuyết tật, các trường hợp bỏ lỡ cơ hội vàng để cùng thấy tầm quan trọng của công tác phát hiện sớm - can thiệp sớm trẻ em khuyết tật là hết sức quan trọng và cần thiết.
Thông qua khóa tập huấn, các học viên từ các tỉnh, thành phố sẽ ứng dụng các kiến thức đã học trong khóa tập huấn này để tổ chức triển khai Chương trình phát hiện sớm – can thiệp sớm trẻ em khuyết tật nói riêng và hoạt động PHCN nói chung để chăm sóc tốt sức khỏe trẻ được can thiệp PHCN, hòa nhập, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng.
Với tinh thần tập trung, sôi nổi các đại biểu tham dự buổi tập huấn đã đặt các câu hỏi thực tế, bày tỏ ý kiến gợi mở trong việc triển khai và phát hiện sớm - can thiệp sớm trẻ em khuyết tật, đồng thời tổ chức tình huống giả định trong thực tế về bộ câu hỏi sàng lọc rối loạn phát triển ở trẻ độ tuổi từ 0-6 tuổi để có góc nhìn tiệm cận với các kiến thức chuyên sâu về triển khai và phát hiện sớm - can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.