Phát hiện sớm ung thư đại trực tràng

Ung thư đại-trực tràng là loại ung thư xuất hiện và phát triển tại đại tràng và trực tràng. Đây bệnh lý ung thư đường tiêu hóa phổ biến, có tỷ lệ mắc cao thứ ba và tỷ lệ tử vong cao thứ tư trong các bệnh ung thư hay gặp trên thế giới.

Khi ung thư đại-tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm đạt tới 90%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thiếu hiểu biết về bệnh và cả sự ngại ngùng về căn bệnh khó nói mà nhiều trường hợp ung thư đại-trực tràng đã xâm lấn, di căn.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng

Yếu tố nguy cơ là các yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc bệnh của con người. Các loại ung thư khác nhau có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như hút thuốc nhưng có các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như tuổi và tiền sử gia đình. Tuy nhiên, có một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ cũng không có nghĩa là sẽ bị bệnh và có một số người bị bệnh nhưng lại không có yếu tố nguy cơ nào.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thư đại-trực tràng bao gồm:

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: Béo phì; Ít hoạt động thể lực; Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu, gan) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, thức ăn nhanh), thịt nấu ở nhiệt độ rất cao (rán, nướng); Hút thuốc; Uống nhiều rượu bia.

Quá trình tiến triển tự nhiên của polyp thành ung thư đại-trực tràng

Quá trình tiến triển tự nhiên của polyp thành ung thư đại-trực tràng

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

Tuổi cao: tuổi càng cao càng có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng, đặc biệt nguy cơ tăng cao rõ rệt sau 50 tuổi;

Tiền sử bị polyp hoặc ung thư đại-trực tràng.

Tiền sử bị viêm đại-trực tràng, bao gồm cả bệnh Crohn.

Tiền sử gia đình bị ung thư hoặc polyp dạng tuyến đại-trực tràng: theo thống kê cứ 1 trong 5 bệnh nhân ung thư đại-trực tràng có thành viên trong gia đình cũng bị ung thư đại-trực tràng, thường gặp nhất ở bố mẹ, anh chị em ruột.

Các hội chứng di truyền: 5 – 10% bệnh nhân ung thư đại-trực tràng có các đột biến gen di truyền, phổ biến nhất là các trường hợp bị đa polyp dạng tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis - FAP) và hội chứng Lynch (ung thư đại tràng không đa polyp di truyền – hereditary non-polyposis colon cancer – HNPCC). Các bệnh nhân này thường bị bệnh khi tuổi còn trẻ.

Chủng tộc và dân tộc: người Mỹ gốc Phi và người Do Thái gốc Đông Âu có tỷ lệ mắc và tử vong ung thư đại-trực tràng cao nhất trong các nhóm chủng tộc.

Đái tháo đường týp 2: bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có nguy cơ cao và tiên lượng kém hơn khi được chẩn đoán ung thư đại trực tràng.

Các triệu chứng của ung thư đại-trực tràng

Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng bao gồm:
- Sự thay đổi trong thói quen đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc phân dẹt kéo dài trong một vài ngày.
- Cảm giác buồn đi ngoài và đi ngoài không hết.
- Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.
- Đau bụng.
- Yếu, mệt mỏi thường xuyên.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân

Ung thư đại-trực tràng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng.

Ung thư đại-trực tràng có tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao và có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt. Có thể dự phòng căn bệnh này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý.

Các biện pháp sàng lọc ung thư đại-trực tràng nên được áp dụng đối với người trên 50 tuổi và người có nguy cơ cao bị ung thư đại-trực tràng. Sàng lọc có ý nghĩa quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, chẩn đoán khi bệnh còn ở giai đoạn sớm giúp điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tái phát và tử vong cho người bệnh. Nếu bạn trên 50 tuổi hoặc có nguy cơ cao bị ung thư đại-trực tràng, nên đến khám và tư vấn tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín và kinh nghiệm về sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại-trực tràng.

BS. Nguyễn Thị Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-som-ung-thu-dai-truc-trang-n172040.html