Phát hiện tế bào mới thúc đẩy quá trình sửa chữa mô

Viện Nghiên cứu Y khoa miền Nam nước Úc (SAHMRI) vừa công bố nghiên cứu, phát hiện ra một loại tế bào tiền thân lưỡng năng hoàn toàn mới, có khả năng thúc đẩy quá trình chữa lành mô cơ thể.

 Phát hiện tế bào mới thúc đẩy quá trình sửa chữa mô

Phát hiện tế bào mới thúc đẩy quá trình sửa chữa mô

Tế bào mới được phát hiện khi trưởng thành sẽ tạo ra 2 loại tế bào chuyên biệt. Một là tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm sửa chữa mô. Hai là tế bào hình thành mạch máu, giúp tăng cường quá trình chữa lành vết thương, đặc biệt là những người bị vết thương mãn tính, khó lành.

Tế bào tiền thân (Progenitor cells) là thế hệ con cháu của tế bào gốc, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau. Tuy nhiên, chúng không linh hoạt bằng tế bào gốc. Mỗi tế bào tiền thân chỉ có thể biệt hóa thành các tế bào thuộc cùng một mô hoặc cơ quan.

Trong khi một số tế bào tiền thân có một tế bào "mục tiêu" cuối cùng thì những tế bào khác lại lưỡng năng, nghĩa là chúng có tiềm năng biệt hóa thành 2 loại tế bào.

Tiến sĩ Sanuri Liyange, đồng tác giả nghiên cứu, cho hay, vai trò chính của tế bào tiền thân là thay thế các tế bào chết hoặc bị hư hỏng. Do đó, chúng cần thiết để phục hồi sau chấn thương và là một phần của quá trình duy trì mô đang diễn ra.

Tế bào tiền thân mới được xác định ở lớp ngoài của động mạch chủ của chuột trưởng thành, phân hóa thành các tế bào nội mô và đại thực bào. Các nhà nghiên cứu gọi nó là tiền thân "EndoMac".

"Khi cấy ghép các tế bào tiền thân này vào vết thương do bệnh tiểu đường, cho thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng chữa lành trong vòng vài ngày.

Về mặt lý thuyết, điều này có thể trở thành bước ngoặt đối với những bệnh nhân bị vết thương mãn tính, hứa hẹn phương pháp điều trị hiệu quả hơn, hỗ trợ chữa lành và duy trì chức năng của cơ thể theo thời gian", Tiến sĩ Sanuri Liyange cho hay.

Khắc Nam (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-hien-te-bao-moi-thuc-day-qua-trinh-sua-chua-mo-20241008160826808.htm