Phát hiện thêm mảnh vỡ UAV trong lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Romania triệu tập Đại biện Nga

Bộ Ngoại giao Romania đã triệu tập đại biện Nga sau khi phát hiện những mảnh vỡ mới của máy bay không người lái (UAV) tương tự như những chiếc UAV được quân đội Liên bang Nga sử dụng.

Bức ảnh được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine đăng tải cho là 1 UAV của Nga đã phát nổ trên lãnh thổ Romania. Ảnh: kyivpost.com

Bức ảnh được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine đăng tải cho là 1 UAV của Nga đã phát nổ trên lãnh thổ Romania. Ảnh: kyivpost.com

Theo hãng tin Reuters, hôm 9/9, các nhà chức trách Romania đã tìm thấy bộ mảnh vỡ máy bay không người lái thứ hai bị rơi trên lãnh thổ nước này.

Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần, mảnh máy bay không người lái được tìm thấy trên lãnh thổ Romania trong bối cảnh Nga tấn công các cảng bên sông Danube của Ukraine, nơi chỉ cách biên giới Romania vài trăm mét.

Trong một tuyên bố gửi cho hãng thông tấn quốc gia Agerpres của Romania, Bộ Ngoại giao nước này cho biết ngay trong ngày 9/9, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Liên bang Nga tại Bucharest đã bị “triệu tập khẩn cấp”.

Tuyên bố cho biết thêm Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chiến lược Iulian Fota đã bày tỏ phản đối của phía Romania về việc vi phạm không phận của Romania sau khi xác định trong lãnh thổ có một số mảnh vỡ của máy bay không người lái, giống với loại mà các lực lượng Nga sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine.

Cũng trong ngày 9/9, Tổng thống Klaus Iohannis nhấn mạnh việc phát hiện các mảnh vỡ máy bay không người lái cho thấy hành vi xâm phạm không phận của Romania là không thể chấp nhận được, gây rủi ro đối với an ninh của công dân Romania trong khu vực.

Vào hôm 6/9, Romania đã phản ứng giận dữ sau khi các mảnh vỡ từ máy bay không người lái tự sát nghi là của Nga được tìm thấy gần sông Danube, trên lãnh thổ của nước này sau một cuộc tấn công của Moskva nhằm vào một cảng của Ukraine.

Khi đó, ông Klaus Iohannis, cho biết trong trường hợp các mảnh vỡ máy bay không người lái của Nga rơi xuống Romania sẽ là "sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Romania".

Sau khi nhận được báo cáo liên quan, thống Iohannis đã yêu cầu mở một “cuộc điều tra khẩn cấp và chuyên nghiệp” về nguồn gốc của mảnh vỡ cũng như cách nó rơi xuống lãnh thổ Romania, đồng thời nhấn mạnh nếu các mảnh vỡ được xác nhận là của Nga thì đó sẽ là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Người đứng đầu nhà nước Romania cho biết ông đã thông báo cho Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về các mảnh máy bay không người lái nhằm nhắc lại tình đoàn kết hoàn toàn của liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo với Romania.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các cuộc tấn công của Nga gần biên giới với Romania đang "gây bất ổn" ngay cả khi không có dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định tấn công Romania, một quốc gia thành viên NATO.

Theo Reuters, kể từ tháng 7, sau khi rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga liên tục tấn công các cảng của Ukraine nằm dọc biên giới sông Danube với Romania.

Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và cảng Constanta của Romania ở Biển Đen hiện là tuyến xuất khẩu thay thế lớn nhất của Kiev, với ngũ cốc được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt hoặc sà lan qua sông Danube.

Các cuộc tấn công của phía Nga nhằm vào các cảng của Ukraine gần với quốc gia thành viên NATO đã làm tăng rủi ro an ninh cho NATO, nơi các thành viên có cam kết phòng thủ chung.

Nếu xác định các mảnh vỡ là của máy bay không người lái Nga và không phải rơi xuống vô tình, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng bởi khác với Ukraine, Romania là một quốc gia thành viên NATO.

Do vậy, Romania được bảo vệ bởi Ðiều 5 của Hiến chương NATO, trong đó nêu rõ các nước thành viên “đồng ý rằng một cuộc tiến công quân sự chống một hoặc nhiều nước của NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tiến công chống tất cả các nước thành viên”.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phat-hien-them-manh-vo-uav-trong-lanh-tho-bo-ngoai-giao-romania-trieu-tap-dai-bien-nga-20230910154152798.htm