Phát hiện thung lũng của những thành phố cổ 2.000 tuổi ở rừng Amazon

Công nghệ cảm biến laser hé lộ mạng lưới gò đất và lối đi bị chôn vùi trong khu vực rừng nhiệt đới ở Ecuador.

 "Thung lũng của các thành phố bị mất tích" giữa rừng Amazon qua hình ảnh LiDAR. Ảnh: SCIENCE.

"Thung lũng của các thành phố bị mất tích" giữa rừng Amazon qua hình ảnh LiDAR. Ảnh: SCIENCE.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện một cụm thành phố mất tích trong rừng nhiệt đới Amazon, từng là ơi sinh sống của ít nhất 10.000 nông dân khoảng 2.000 năm trước.

Một loạt gò đất và đường mòn bị chôn vùi tại Ecuador từng được nhà khảo cổ học Pháp Stephen Rostain chú ý đến trước tiên cách đây hơn 2 thập niên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó ông vẫn chưa chắc là chúng có liên kết với nhau, ông cho biết hôm 12/1 sau khi cùng các đồng nghiệp công bố phát hiện mới trên chuyên san Science một ngày trước đó.

Việc vẽ bản đồ bằng công nghệ cảm biến laser gần đây hé lộ rằng những khu vực trên thuộc về một mạng lưới dày đặc những khu dân cư và đường sá kết nối, nằm sâu trong chân đồi có rừng ở dãy Andes, kéo dài khoảng 1.000 năm.

"Đó là một thung lũng của những thành phố mất tích. Thật không thể tin được", ông Rostain chia sẻ. Chuyên gia này đừng đầu hoạt động điều tra tại Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu khoa học (Pháp).

Theo các nhà nghiên cứu, những khu dân cư này từng là nơi ở của người Upano từ năm 550 trước Công nguyên cho đến khoảng năm 300-600 sau Công nguyên, gần như cùng thời với đế chế La Mã ở châu Âu.

Các tòa nhà dân cư và phục vụ nghi lễ được xây dựng trên hơn 6.000 gò đất, nằm giữa những cánh đồng có kênh thoát nước. Những con đường lớn nhất rộng đến 10 m và dài 10-20 km.

Nhà khảo cổ học Antoine Dorison, đồng tác giả nghiên cứu tại cùng viện của Pháp, cho biết mặc dù rất khó để ước tính dân số nhưng địa điểm này là nơi sinh sống của ít nhất 10.000 cư dân - và có lẽ lên tới 15.000 hoặc 30.000 vào thời kỳ đỉnh cao. Con số này có thể so sánh với dân số ước tính của London thời La Mã, thành phố lớn nhất nước Anh khi đó.

Nhà khảo cổ học Michael Heckenberger của Đại học Florida, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Điều này cho thấy một khu dân cư dày đặc và một xã hội cực kỳ phức tạp. Đối với khu vực, nó thực sự ở đẳng cấp riêng xét về độ sớm”.

Nhà khảo cổ học José Iriarte tại Đại học Exeter (Anh) cho rằng cần một hệ thống lao động có tổ chức phức tạp để xây dựng đường sá và hàng nghìn gò đất như thế.

“Người Inca và Maya xây dựng bằng đá, nhưng người dân ở Amazonia thường không có sẵn đá để xây dựng - họ xây bằng bùn”, ông cho hay.

Ông Iriarte, người không có vai trò gì trong nghiên cứu, cho biết đây vẫn là một lượng lao động khổng lồ.

Amazon thường được coi là “vùng hoang dã nguyên sơ chỉ có những nhóm nhỏ người sinh sống. Nhưng những khám phá gần đây đã cho chúng ta thấy quá khứ thực sự phức tạp hơn nhiều”, ông nói.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/phat-hien-thung-lung-cua-nhung-thanh-pho-co-2000-tuoi-o-rung-amazon-post1454262.html