Phát hiện tín hiệu sóng bí ẩn gửi đến Trái Đất

Trong khi hầu hết vụ nổ sóng vô tuyến nhanh có nguồn gốc cách xa chúng ta hàng triệu năm ánh sáng, phát hiện mới này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về những tín hiệu bí ẩn.

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên The Astrophysical Journal Letters, một ngôi sao chết cách đây 30.000 năm được xác định nằm ở phía bên kia Dải Ngân hà đã phát ra hỗn hợp mạnh mẽ giữa sóng vô tuyến nhanh (FRBs) và tia X quét qua Trái Đất hôm 28/4.

Điều đáng chú ý, đây là tín hiệu FRBs có vị trí gần với Trái Đất nhất mà các nhà khoa học từng thu thập.

Nguồn gốc của FRBs này chỉ cách Trái Đất 30.000 năm ánh sáng. Ảnh: ESA.

Nguồn gốc của FRBs này chỉ cách Trái Đất 30.000 năm ánh sáng. Ảnh: ESA.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 2007 thông qua kính viễn vọng vô tuyến Parkes tại Australia, FRBs đã khiến giới thiên văn học không khỏi bối rối. Họ nhận thấy những xung vô tuyến đơn rất sáng có thể tồn tại chỉ vài mili giây, nhưng tạo ra nhiều năng lượng hơn Mặt Trời trong cả thế kỷ. Ước tính có tới vài nghìn vụ nổ như vậy diễn ra mỗi ngày trên bầu trời.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra những vụ phát sóng này, nhiều giả thuyết đã được đặt ra về nguồn gốc của các FRBs, từ hố đen vũ trụ cho đến tín hiệu phi thuyền của người ngoài hành tinh.

Tuy nhiên, phát xạ sóng vô tuyến nhanh FRBs mới được thu thập bởi các nhà khoa học cho thấy chúng có nguồn gốc từ một ngôi sao neutron dạng magnetar trong chòm sao Vulpecula, cách Trái Đất 30.000 năm ánh sáng, là tàn dư của một ngôi sao có từ trường lớn, có khả năng phát ra năng lượng khổng lồ và tồn tại rất lâu ngay cả khi ngôi sao đó chết.

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một vụ nổ sóng vô tuyến nào xuất phát từ các magnetar. Đây là lần đầu tiên những quan sát giữa từ trường và các FRBs được ghi lại”, Sandro Mereghitti, tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia tại Milan, Italy cho biết.

Ngôi sao magnetar có tên SGR 1935 + 2154, được phát hiện vào năm 2014 khi các nhà khoa học nhìn thấy nó phát ra những vụ nổ do tia gamma và tia X trong những khoảng thời gian ngẫu nhiên. Sau một thời gian im lặng, ngôi sao chết đã thức dậy với một vụ nổ tia X cực mạnh vào cuối tháng 4 năm nay.

 FRBs mới được phát hiện được cho là có nguồn gốc từ một ngôi sao magnetar. Ảnh: Space.

FRBs mới được phát hiện được cho là có nguồn gốc từ một ngôi sao magnetar. Ảnh: Space.

Sandro và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra vụ nổ này nhờ vệ tinh Integral của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), được thiết kế với mục đích ghi lại những hiện tượng năng lượng trong vũ trụ. Các kính viễn vọng của Canada và Mỹ cũng đồng thời có phát hiện tương tự.

Theo Live Science, các nhà nghiên cứu chưa từng ghi lại được một vụ nổ sóng vô tuyến nhanh và tia X đồng thời từ magnetar trước đây, đây có thể được coi là cơ hội giúp giới thiên văn học mở ra những dữ liệu mới về những FRBs.

Điều quan trọng, lý do giúp nhiều kính viễn vọng trên Trái Đất hay trên quỹ đạo thu lại được FRBs bởi vì chúng có khả năng phát hiện trên nhiều bước sóng phổ điện tử.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-tin-hieu-song-bi-an-gui-den-trai-dat-post1117908.html