Phát hiện vi khuẩn Botulinum trong mẫu pate Minh Chay ở Quảng Nam

Cơ quan chức năng khẳng định kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong mẫu pate Minh Chay khiến 3 người ngộ độc nhập viện có vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Ngày 16-9, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (đóng tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cho biết Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia vừa có văn bản phúc đáp kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm liên quan đến vụ 3 bệnh nhân bị ngộ độc điều trị tại bệnh viện trước đó.

Hũ pate Minh Chay khiến 3 người ở Quảng Nam nhập viện

Hũ pate Minh Chay khiến 3 người ở Quảng Nam nhập viện

Cụ thể, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khẳng định kết quả kiểm nghiệm xác định trong mẫu pate Minh Chay do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam gửi có vi khuẩn Clostridium Botulinum. "Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đang tiếp tục định dạng tuýp chủng vi khuẩn và sẽ có thông báo khi có kết quả" – công văn phúc đáp, nêu.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 1 và 2-9, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận 3 bệnh nhân gồm: L.T.V.K. (30 tuổi, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), V.T.H. (65 tuổi, trú phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) và N.T.N. (15 tuổi, trú phường Thanh Hà, TP Hội An) bị ngộ độc thực phẩm. Cả 3 cho biết cùng gặp triệu chứng mệt, khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, khó nuốt, yếu cơ sau khi ăn bánh mì có pate Minh Chay.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong mẫu pate Minh Chay khiến 3 người ngộ độc ở Quảng Nam có vi khuẩn Clostridium Botulinum

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong mẫu pate Minh Chay khiến 3 người ngộ độc ở Quảng Nam có vi khuẩn Clostridium Botulinum

Tiếp đến, trưa 4-9, BV Vĩnh Đức tiếp nhận bệnh nhân N.T.A.T (61 tuổi) - ni cô ở một ngôi chùa trên địa bàn xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) đến cấp cứu với triệu chứng khó thở, nhìn mờ, nhìn đôi, đau họng, khó nuốt... Người bệnh khai báo bị các triệu chứng trên sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay.

"Clostridium botulinum là một vi khuẩn Gram dương có hình que, kỵ khí, sinh bào tử, di chuyển được có khả năng sản xuất các độc tố thần kinh botulinum" - Theo Wikipedia.

Tr.Thường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/phat-hien-vi-khuan-botulinum-trong-mau-pate-minh-chay-o-quang-nam-20200916094447397.htm