Phát hiện vi khuẩn và nấm 'ăn' nhựa ở đầm lầy nước mặn

Thông báo của Vườn Thực vật Hoàng gia cho biết tổng cộng có 184 loài nấm và 55 vi khuẩn có khả năng phân hủy các loại nhựa khác nhau được tìm thấy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Rác thải nhựa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rác thải nhựa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 18/5, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện vi khuẩn và nấm “ăn” nhựa ở các đầm lầy nước mặn ven biển Trung Quốc. Điều này mở ra khả năng mới về việc quản lý rác thải toàn cầu.

Thông báo của Vườn Thực vật Hoàng gia (Royal Botanic Gardens) ở Kew cho biết tổng cộng có 184 loài nấm và 55 vi khuẩn có khả năng phân hủy các loại nhựa khác nhau được tìm thấy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Trước đó, tháng 5/2021, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Anh đã lấy mẫu các vi sinh vật ở Đại Phong, Giang Tô, một địa danh trong danh sách sách được bảo vệ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Họ phát hiện một “môi trường nhựa trên cạn” khác biệt, được mô tả là “môi trường sinh thái nhân tạo,” là hệ sinh thái tiến hóa có thể tồn tại trong môi trường ven biển có sự hiện diện của các mảnh nhựa.

Vườn Thực vật Hoàng gia Kew cho biết các nhà khoa học đang tăng cường nghiên cứu các vi sinh vật như nấm và vi khuẩn, để giúp đối phó với những thách thức gây sức ép lớn của thời hiện đại, trong đó có xu hướng gia tăng ô nhiễm nhựa.

Tổ chức trên nhấn mạnh những phát hiện mới đóng góp vào những nghiên cứu cho đến nay về các loại vi sinh vật phân hủy nhựa với khoảng 436 loài nấm và vi khuẩn được phát hiện có khả năng phân hủy nhựa.

Các nhà khoa học Kew và các đối tác tin rằng những phát hiện mới này có thể mở ra việc phát triển các enzym hiệu quả để phân hủy sinh học rác thải nhựa.

Theo báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, năm 2020, trên thế giới, có xấp xỉ 238 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường. Gần 50% trong số đó được xử lý sai cách, chẳng hạn bị vứt ra môi trường hoặc thiêu đốt.

Cuối tháng này, các đại diện đến từ gần 200 quốc gia sẽ nhóm họp tại Paris để tiến hành vòng đàm phán mới nhằm đạt được thỏa thuận pháp lý vào năm 2024 về chấm dứt ô nhiễm nhựa./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phat-hien-vi-khuan-va-nam-an-nhua-o-dam-lay-nuoc-man/863411.vnp