Phát hiện 'vua bầu trời' kỷ Jura, đến từ siêu lục địa đã mất
Sinh vật quái dị tên Melkamter pateko là thành viên cổ xưa nhất của nhánh dực long Monofenestrata, sống vào đầu kỷ Jura.
Hộp sọ kỳ quặc và một phần xương hóa thạch của một sinh vật kỷ Jura - được khai quật ở tỉnh Chubut thuộc vùng Patagonia của Argentina - đã giúp xác định một loài dực long hoàn toàn mới, được đặt danh pháp là Melkamter pateko.
TS Alexandra Fernandes từ Bộ sưu tập Cổ sinh vật học và địa chất bang Bavaria (Đức) cùng các đồng nghiệp từ Đức và Argentina đã phân tích hóa thạch và xác định nó có niên đại tận 184 đến 174 triệu năm tước, tức đầu kỷ Jura.
Mẫu vật này được xác định là thành viên của một nhóm dực long còn nhiều bí ẩn gọi là Monofenestrata và xưa hơn đến 8-10 triệu năm so với mẫu vật lâu đời nhất của nhóm này từng được tìm thấy trước đó.
Theo TS Fernandes, dực long (Pterosaurs còn gọi là thằn lằn có cánh) là nhánh động vật 4 chân biết bay đầu tiên trên thế giới và đã tiến hóa mạnh mẽ trong đại Trung Sinh, đạt được sự phân bố toàn cầu từ kỷ Tam Điệp đến kỷ Phấn trắng.
Kỷ Jura nằm giữa 2 kỳ nói trên và chứng kiến giai đoạn chuyển đổi giữa 2 nhóm dực long có hình thái khác biệt.
Monofenestratan chính là đại diện của bước tiến hóa quan trọng đó, với cơ thể hết sức quái dị.
Vì vậy, phát hiện ra con Monofenestratan lâu đời nhất thế giới là một may mắn lớn đối với các nhà cổ sinh vật học.
Ngoài ra, Melkamter pateko còn thuộc về siêu lục địa Gondwana, là siêu lục địa phía Nam đã tan vỡ. Vùng đất nay là Nam Mỹ chính là một phần của siêu lục địa đó.
Hóa thạch dực long ở siêu lục địa phía Bắc Laurasia thời kỳ đó vốn khá phong phú, trong khi phía Nam lại rất hiếm hoi.
Điều đó càng làm nổi bật thêm tầm quan trọng của mẫu vật mới này trong việc lấp đầy các khoảng trống trong bức tranh tiến hóa của dực long - họ hàng dữ tợn của khủng long, được ví như "vua bầu trời" suốt 3 kỷ địa chất mà chúng tồn tại.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Royal Society Open Science.