Phát hiện xác ướp tê giác cổ đại tại Siberia

Ngày 7/8, theo Live Science, những thợ đào vàng ở Siberia đã tình cờ phát hiện một xác ướp tê giác lông mượt cổ đại với sừng và mô mềm vẫn còn nguyên vẹn, tại một mỏ đá mới ở Cộng hòa Sakha, Nga.

Hình ảnh về hài cốt của tê giác lông mượt được phát hiện ở làng Oymyakon đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Telegram của Nga vào ngày 2/8.

Xác tê giác lông mượt đã tuyệt chủng được tìm thấy bởi những người thợ mỏ đang đào vàng. (Nguồn: Metro)

Xác tê giác lông mượt đã tuyệt chủng được tìm thấy bởi những người thợ mỏ đang đào vàng. (Nguồn: Metro)

Sau khi nhận được tin báo, các nhà nghiên cứu từ Đại học Liên bang Đông Bắc (NEFU) tại Yakutsk đã tới hiện trường và thu hồi chiếc sừng của tê giác. Theo kế hoạch, phần còn lại của xác ướp sẽ được khai quật trong những tháng tới.

Anatoly Nikolaev, hiệu trưởng NEFU, chia sẻ: "Đây thực sự là một phát hiện độc đáo cho phép chúng tôi nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của khu vực, hệ động vật cổ đại, khí hậu và điều kiện địa chất của nó".

Lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia tạo điều kiện lý tưởng để bảo quản các sinh vật cổ đại. Điều kiện lạnh giá giúp ướp xác, giữ nguyên trạng các mô mềm trong "viên nang thời gian" đông lạnh.

Phát hiện mô mềm hiếm hoi này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cuộc sống và môi trường của động vật tại thời điểm chúng chết, đồng thời cung cấp cơ hội tốt hơn để trích xuất DNA cổ đại.

Chiếc sừng tê giác lông mượt được đặt trên một hộp sọ hóa thạch trong một bảo tàng. (Nguồn: NEFU)

Chiếc sừng tê giác lông mượt được đặt trên một hộp sọ hóa thạch trong một bảo tàng. (Nguồn: NEFU)

Maxim Cheprasov, nhà nghiên cứu cao cấp và trưởng phòng thí nghiệm của Bảo tàng Mammoth NEFU, cho biết: "Đây là lần thứ năm các nhà khoa học tìm thấy một con tê giác lông với các mô mềm còn nguyên vẹn. Trong lịch sử hiện đại của NEFU, đây là lần đầu tiên có phát hiện như vậy".

Tê giác lông mượt chủ yếu sống trong kỷ Pleistocene (2,6 triệu đến 11.700 năm trước), xuất hiện lần đầu cách đây khoảng 300.000 năm trên khắp miền bắc Âu Á. Khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc, phạm vi của chúng thu hẹp lại và cuối cùng bị tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm do khí hậu thay đổi và hoạt động của con người.

Các nhà nghiên cứu NEFU dự định nghiên cứu chiếc sừng trước khi khai quật phần còn lại của hài cốt. Ông Cheprasov cho biết: "Theo các thông số hình thái, nó thuộc về một cá thể trưởng thành. Tuổi sinh học chính xác và giới tính của con vật sẽ được xác định sau khi nghiên cứu toàn diện về xác chết".

Sừng tê giác lông mịn đã được đưa đến NEFU, nơi các nhà khoa học đang nghiên cứu. (Nguồn: NEFU)

Sừng tê giác lông mịn đã được đưa đến NEFU, nơi các nhà khoa học đang nghiên cứu. (Nguồn: NEFU)

Phát hiện về tê giác lông là một trong nhiều dự án tại NEFU nhằm tìm hiểu về quần thể động vật lớn thời kỳ băng hà ở Siberia. Vào tháng 6, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khám nghiệm một con sói ướp xác 44.000 năm tuổi được kéo ra từ lớp băng vĩnh cửu ở Cộng hòa Sakha.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-xac-uop-te-giac-co-dai-tai-siberia-169240808145443557.htm