Phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 25/7, tại Hoa Lư (Ninh Bình), Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức lớp bồi dưỡng 'Văn học, nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa'.

Quang cảnh lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Hoa Lư, Ninh Bình

Quang cảnh lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Hoa Lư, Ninh Bình

Sự kiện có sự hiện diện của đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Du lịch cùng gần 130 học viên là giảng viên các trường đại học, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, cây viết trẻ, nhà báo, biên tập viên các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, Hội Văn học nghệ thuật tham dự.

Đây là diễn đàn lý luận thiết thực nhằm làm sáng tỏ vai trò của bản sắc dân tộc trong tiến trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và năng lực thực hành cho những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật.

Bản sắc dân tộc là hồn cốt, là linh hồn của một nền văn hóa. Đó là những giá trị được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước: từ văn học dân gian đến văn học viết, từ nghệ thuật truyền thống đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Trong quá trình toàn cầu hóa, khi các luồng văn hóa ngoại lai du nhập ngày càng mạnh mẽ, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn, mà còn là chiến lược phát triển. Bản sắc dân tộc chính là "sức mạnh mềm", tạo nên sự khác biệt và giá trị độc đáo cho các sản phẩm văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành nêu rõ: Lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình trẻ lần thứ 9 lần này nằm trong chuỗi hoạt động được Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, với mục tiêu xây dựng và bồi đắp một đội ngũ kế cận vững vàng về lý luận, sắc sảo về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị kiên định và tâm huyết với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà.

Qua mỗi năm, các chủ đề bồi dưỡng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, mang tính cập nhật, bám sát những vấn đề thời sự trong đời sống lý luận, phê bình, từ việc nâng cao kỹ năng, phương pháp, đến các vấn đề kế thừa và cách tân.

Theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, về nhận thức nội hàm của công nghiệp văn hóa: Công nghiệp văn hóa là ngành sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội; hướng đến bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa có phạm vi bao quát rộng lớn, bao gồm nhiều ngành nghề. Đặc trưng của công nghiệp văn hóa là dựa trên quá trình sáng tạo văn hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp văn hóa là sự kết hợp chặt chẽ giữa giá trị kinh tế và giá trị văn hóa, có sức lan tỏa mạnh mẽ, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Thông qua lớp bồi dưỡng này, PGS.TS Nguyễn Văn Thành mong rằng các học viên sẽ tập trung trí tuệ, lĩnh hội một cách sâu sắc, toàn diện nội dung các chuyên đề do các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trình bày; đồng thời chủ động, tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, không chỉ để làm sáng tỏ vấn đề mà còn mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới, những góc nhìn mới từ thực tiễn công tác và nghiên cứu của bản thân.

Các học viên sẽ được tiếp cận các chuyên đề sau. Chuyên đề 1, bản sắc dân tộc trong văn học nghệ thuật; Chuyên đề 2, kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa gắn với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa – từ thực tiễn tỉnh Ninh Bình; Chuyên đề 3, phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện; Chuyên đề 4, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng dân tộc, tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu; Chuyên đề 5, thị trường hóa nghệ thuật và vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc – Vai trò của người làm công tác lý luận, phê bình; Chuyên đề 6, đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình trẻ với nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa.

Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự đồng thuận trong tư duy, chính sách và hành động. Bản sắc dân tộc không chỉ là điểm tựa, mà còn là tài nguyên sáng tạo vô giá, là "vàng mười" trong kho báu văn hóa dân tộc. Việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng làm công tác văn hóa - nghệ thuật, lý luận - phê bình có bản lĩnh chính trị, giỏi chuyên môn, nhạy bén với thời đại là bước đi chiến lược.

Lớp bồi dưỡng do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức không chỉ là nơi trao truyền tri thức, mà còn là không gian kết nối những trái tim cùng thao thức với vận mệnh văn hóa dân tộc. Từ đây, những hạt giống tư duy đổi mới sẽ được ươm mầm, góp phần xây dựng một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phat-huy-ban-sac-dan-toc-trong-xay-dung-va-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-a29587.html