Phát huy các mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội phụ nữ vào việc đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Thanh Trì đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như 'Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em', 'Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em'.

Thành lập các mô hình gắn với đời sống

Xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) là xã ven đô của Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, trong những năm qua, đời sống kinh tế thu nhập của nhân dân trên địa bàn xã nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng được cải thiện nâng lên rõ rệt, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc.

Đây là xã có tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo; công tác trẻ em và phụ nữ luôn được Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm với phong trào, hăng hái vì cộng đồng. Từ năm 2022 đến nay xã không còn hộ nghèo, không có trẻ em bỏ học. Nhiều năm liền trên địa bàn xã không để xảy ra các vụ việc nổi cộm về xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Đây là những điều kiện căn bản để Hội LHPN Thanh Trì xây dựng mô hình “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”.

Theo bà Phạm Nguyên Nhung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì, mô hình gồm 3 nhóm tiêu chí, đó là cơ sở hạ tầng; văn hóa, giáo dục, y tế và cơ chế hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Thanh Liệt là xã có tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo.

Thanh Liệt là xã có tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo.

Về cơ sở hạ tầng, hệ thống chiếu sáng, không gian công cộng, cơ sở vật chất (sân chơi, nhà văn hóa,…) phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và trẻ em. Hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy cơ động đảm bảo an toàn, xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh, phù hợp với đặc thù của tổ dân phố.

Về văn hóa, giáo dục, y tế: thuận tiện, dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, cấp nước,… Người dân có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau; xây dựng cảnh quan, môi trường xung quanh xanh - sạch - đẹp; xây dựng quy ước của khu dân cư; thu hút phụ nữ, trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; không xảy ra tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em,…

Đối với cơ chế hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai tích cực hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Câu lạc bộ Phụ nữ và pháp luật”. Đồng thời đảm bảo sự tham gia của phụ nữ, trẻ em trong việc đóng góp, lên tiếng vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; có sự tham gia của đại diện các hộ gia đình, nam giới tham gia hoạt động phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Trước đó, tại xã Ngũ Hiệp, Hội LHPN Thanh Trì cũng ra mắt mô hình điểm “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”. Mô hình đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội phụ nữ vào việc đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường.

Ra mắt mô hình “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại xã Thanh Liệt.

Ra mắt mô hình “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại xã Thanh Liệt.

Mô hình cũng nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mô hình này cũng có 3 nhóm tiêu chí cơ bản gồm cơ sở hạ tầng; các tiêu chí về mặt nhận thức, thái độ và các tiêu chí về cơ chế hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, các cấp Hội Phụ nữ huyện Thanh Trì đã có nhiều hoạt động thực hiện bình đẳng giới và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em như tuyên truyền kiến thức phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình; trang bị kỹ năng xử lý tình huống, nhận diện những hành vi có nguy cơ và không an toàn đối với phụ nữ, trẻ em; thực hiện có hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2017-2027 và Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2026”.

Các mô hình là sự thể hiện rõ nét trên thực tế về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, khả năng tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại, tăng cường sự tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, xã hội; Huy động sự tham gia chủ động và cụ thể của nam giới vào quá trình triển khai hoạt động mô hình nhằm đảm bảo tính bền vững, thành công của mô hình.

Để mô hình hiệu quả, bền vững

Để mô hình được triển khai thành công, hiệu quả, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung đã đề nghị Ban Chỉ đạo mô hình tại các xã tiếp tục tham gia vận động các nguồn lực, hỗ trợ cán bộ hội viên và nhân dân các điều kiện vật chất, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống… trong gia đình và ngoài xã hội; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện các nội dung của mô hình; thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của mô hình,...

Ra mắt mô hình điểm "Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em" năm 2023 tại huyện Thanh Trì.

Ra mắt mô hình điểm "Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em" năm 2023 tại huyện Thanh Trì.

Đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và toàn thể nhân dân trên địa bàn xã tích cực tham gia vào việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em thông qua mô hình; đẩy mạnh công tác tập huấn, cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực…;

Có các hoạt động cụ thể như: triển khai các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch"; tuyên truyền, vận động, thu hút phụ nữ và nhân dân tham gia các hoạt động của mô hình, tạo sức lan tỏa, thi đua trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân;...

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cũng mong muốn mô hình sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn, các thành viên gia đình, đặc biệt là nam giới bằng các việc làm cụ thể, thiết thực với mục tiêu cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Bà Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Liệt, Phó Trưởng Ban chỉ đạo mô hình “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” xã Thanh Liệt cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, làm việc trên tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình; nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của mô hình, để góp phần giúp đỡ cho các nạn nhân nếu không may bị bạo lực gia đình có thể tin tưởng tìm đến trong mọi trường hợp; đồng thời ngăn ngừa và phòng, chống bạo lực gia đình ở địa phương.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2024, chúng tôi sẽ tập trung một số hoạt động, cụ thể như: Tổ chức tuyên truyền nội dung mục đích ý nghĩa, tiêu chí của mô hình “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chi hội, qua các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của thôn; truyền thông trên hệ thống loa phát thanh để đông đảo người dân được tiếp cận. Đặc biệt là chia sẻ thông tin, tiêu chí, hoạt động của mô hình trên các nhóm như trang thông tin điện tử xã Thanh Liệt; zalo, facbook của Hội phụ nữ xã nói chung và các chi, tổ phụ nữ trên địa bàn xã nói riêng, để thu hút thêm nhiều thành viên tham gia vào mô hình góp phần giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự từ thôntổ dân phố đến toàn xã".

Thời gian qua, huyện Thanh Trì nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, không thể phủ nhận xã hội vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em như xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tai nạn thương tích… Đây là những nguy cơ gây tổn thương, để lại di chứng nặng nề cho các nạn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội...

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-cac-mo-hinh-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em-174142.html