Phát huy chủ động trong tư vấn hướng nghiệp
Ngành Giáo dục Bắc Ninh cùng Tỉnh đoàn chủ động trong tư vấn hướng nghiệp để học sinh có thể chủ động trong việc lựa chọn lối đi.
Chọn đúng ngành, nghề và trường
Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, ông Trần Quốc Hoàn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Tài (Bắc Ninh) - cho biết, Phòng vừa phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Ninh cùng các đơn vị đồng hành tổ chức Chương trình Tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS.
Với chủ đề: “Hiểu mình – Hiểu nghề - Sáng tương lai”, chương trình tư vấn hướng nghiệp diễn ra tại 68 điểm cầu trực tiếp của 15 trường THCS với 1.500 học sinh tham gia.
Ông Hoàn cho biết, nhiều năm qua, chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh đóng vai trò quan trọng, được đông đảo các lực lượng tham gia một cách nghiêm túc và tự giác. Đồng thời, trước sự quan tâm của quý phụ huynh và giáo viên là một trong những minh chứng cho sự chuyển biến về nhận thức đối với hoạt động tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp hiện nay.
“Chương trình Tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS được thực hiện với mục đích cung cấp cho các em học sinh những kiến thức cần thiết về việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với khả năng của mình và nhu cầu của xã hội. Công tác phân luồng học sinh sau THCS nhằm mục đích tạo nguồn, đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên việc phân luồng học sinh trong thời gian qua chưa thực sự mang lại hiệu quả cao...”, ông Hoàn chia sẻ.
Thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Lương Tài cho thấy, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT với tỷ lệ rất cao. Qua thống kê 3 năm học (2018 - 2019, 2019 - 2020, 2020 - 2021) tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT là 92 – 93,5%. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tham gia học tập nghề ở các trường cao đẳng và các chương trình học khác thì rất thấp (hàng năm < 1%).
Lý giải về điều này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Tài - Trần Quốc Hoàn cho rằng, do phần lớn học sinh, phụ huynh học sinh chưa nắm bắt được chủ trương, định hướng nghề nghiệp cho con em mình, chưa lựa chọn trường phù hợp với sở thích cũng như năng lực của bản thân các em học sinh và nhu cầu xã hội...
“Nếu học sinh lựa chọn đúng trường theo năng lực nhất là học nghề sau tốt nghiệp THCS thì đem lại hiệu quả về kinh tế hơn. Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS là nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh nói chung và huyện Lương Tài nói riêng...”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Giúp học sinh học theo nguyện vọng
Ông Nguyễn Như Học - Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Bắc Ninh) - nhấn mạnh, đây là hoạt động quan trọng, được duy trì hàng năm. Thời gian cuối năm học, các trường THPT hay THCS cũng tổ chức hoạt động tư vấn học sinh.
“Gần đây, khi có hiện tượng phụ huynh ở Hà Nội phản ánh, hoạt động tư vấn này bị biến tướng, trở thành hành vi ép buộc học sinh kém bỏ thi vào lớp 10, nhằm tránh ảnh hưởng đến thành tích của các trường. Sở GD&ĐT Bắc Ninh cấm các trường ép học sinh không thi vào lớp 10 THPT (nếu có)...”, ông Học nhấn mạnh.
Theo ông Học có thể có sự hiểu nhầm giữa trường và phụ huynh trong quá trình tư vấn giáo dục hướng nghiệp. Trước thực tế này, ông Học nhấn mạnh: “Sở tuyên truyền đến các đơn vị việc học sinh và gia đình các em đưa ra quyết định trên tinh thần tự nguyện. Cùng với đó, các nhà trường và giáo viên tuyệt đối không ép buộc dưới mọi hình thức...”, ông Học lưu ý.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên cũng bày tỏ, việc phân luồng cho học sinh lớp 9 vào các trường THPT theo nguyện vọng hoặc đi học nghề là cần thiết giúp các em có thêm lựa chọn ngành nghề trong tương lai.
“Việc tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khối 9 giúp các em thêm sự lựa chọn khối học, ngôi trường học phù hợp với nguyện vọng ngành nghề, năng lực bản thân. Đơn cử, học khối B để hướng đến làm bác sĩ, hay các ngành nghề liên quan các môn học: Sinh, Hóa, Toán. Trước mắt giúp các em làm rõ định hướng nghề nghiệp sau này? Với nghề nghiệp như vậy thì phù hợp với khối ngành và đầu tư vào học tổ hợp môn học gì?...”, ông Học chia sẻ.
Còn cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hàn Thuyên (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) - cho biết, tại buổi Tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS mới đây (26/4) thu hút khá đông học sinh và phụ huynh quan tâm. Với điểm cầu trực tuyến tại trường, có 120 em học sinh và phụ huynh dự trực tuyến ở điểm cầu tại nhà đa năng của trường. Cuộc trò truyện của các chuyên gia tư vấn về định hướng nghề nghiệp trong tương lai đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức của các em học sinh và phụ huynh về việc chọn trường, chọn nghề định hướng tốt cho tương lai.
Theo cô Hương, trước hết, đó là sự thay đổi trong tư duy, trong suy nghĩ của học sinh và phụ huynh: Học đại học không phải là con đường duy nhất cho tương lai. Ngoài ra, có thể lựa chọn học 9+, sau ba năm học vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa, vừa có bằng nghề, vừa có việc làm ngay.
“Phụ huynh và học sinh cũng hiểu rõ được xu hướng của thời đại qua tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, nắm bắt được tình hình thị trường lao động của tỉnh Bắc Ninh đang rất thiếu nhân lực. Các trường dạy nghề của tỉnh như Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Thống kê, Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh là nơi đã đào tạo được nhiều công nhân lành nghề. Các em ra trường đều tìm được việc làm và có thu nhập ổn định...”, cô Hương thông tin.
Việc tư vấn giáo dục hướng nghiệp giúp phụ huynh học sinh được giải đáp các thắc mắc. Chính những thông tin đầy đủ và hữu ích về chính sách đào tạo, về việc dạy văn hóa, dạy nghề, dạy kĩ năng mềm, môi trường học tập, về sự quản lí của nhà trường khi các em ở độ tuổi chưa trưởng thành... Từ đó, phụ huynh và học sinh đưa ra được nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng học tập, phù hợp với sở thích, năng khiếu để có những lựa chọn đúng đắn, sáng suốt cho tương lai… - Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hàn Thuyên
Đăng Chung