Phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên - Cơ sở quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đảng ta xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Việt Nam đạt được thời gian qua cho thấy quyết tâm, nỗ lực, nói đi đôi với làm của Đảng và Nhà nước trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ” và trong Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”2. Từ ngày thành lập đến nay, trên cơ sở những nguyên lý về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do V.I. Lênin nêu ra và thực tiễn hoạt động, Đảng ta luôn thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ, giúp Đảng vừa tránh được sự chuyên quyền, độc đoán vừa nâng cao tính chiến đấu, trí tuệ, kinh nghiệm của mọi đảng viên trong các tổ chức của Đảng.
Đảng ta coi mở rộng dân chủ trong Đảng vừa là giải pháp nâng cao sức mạnh của Đảng, vừa là một nội dung đổi mới về chính trị; sự bình đẳng giữa cấp trên và cấp dưới, người lãnh đạo cần phải lắng nghe ý kiến của đảng viên cấp dưới, nhất là các ý kiến trái chiều; phải kiên trì, khéo léo biến nó trở thành ý chí của tập thể.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua và tiếp tục đến các nhiệm kỳ XII, XIII thống nhất giữ nguyên Điều lệ đã quy định về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”3.
Trong những năm gần đây, có một hiện thực đáng buồn hiện diện trong Thông cáo báo chí về kết luận kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực được nhắc tới đầu tiên trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là “sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội; ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức đảng và đảng viên...”.
Ở một số nơi, một số cá nhân lãnh đạo đứng đầu tổ chức đảng đã lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ làm “bình phong” để độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi cá nhân làm mất tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chi ủy, chi bộ và đảng viên, tạo nên sự đoàn kết, dân chủ hình thức trong tổ chức đảng. Đây là điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta nhắc nhở từ rất sớm và Đảng đã ban hành nhiều quy chế, quy định để chấn chỉnh, khắc phục nguy cơ này.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã tổng kết những vụ việc vi phạm xảy ra trong các tổ chức Đảng và đảng viên chủ yếu về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, tài sản; huy động, sử dụng các nguồn vốn, thực hiện dự án đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn làm thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương...
Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 190 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.
Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Các ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 182 tổ chức Đảng và 7.056 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 1 đồng chí, Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo 2 tổ chức và 17 đảng viên4.
Nhận diện nguyên nhân các vụ việc sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”. “Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”5.
Điều đáng suy nghĩ là rất nhiều vụ vi phạm xảy ra từ nhiệm kỳ trước, nhưng đến nay mới bị phát hiện và xử lý; các quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện dân chủ, qua nhiều khâu, nhiều bước nhưng vẫn còn trường hợp vượt qua các quy định, quy chế hiện hành.
Thực trạng mất tập trung dân chủ trong tổ chức đảng và đảng viên có chức, có quyền do nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; việc quán triệt các nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa kịp thời, sâu sắc.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chủ động, sâu sát, thiếu quyết liệt; chưa coi trọng việc tự kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; một số đảng viên có tâm lý cả nể “dễ người dễ ta”, “lười suy nghĩ muốn sự “bao cấp về tư tưởng”.
Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa một số cấp ủy với Đảng đoàn, ban cán sự đảng có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Việc phân định trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân trong tập thể.
Việc xây dựng, phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu về công tác xây dựng Đảng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Do vậy, để phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, thúc đẩy tiến trình đổi mới hệ thống chính trị, các tổ chức đảng và đảng viên cần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng.
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chi ủy, chi bộ và cán bộ, đảng viên phải quán triệt, nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc các quy định trong Điều lệ Đảng và tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua các quy định của Đảng như:
Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Hướng dẫn số 09, Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”...
Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về công tác xây dựng Đảng.
Đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải có thái độ khiêm tốn, cầu thị, có thái độ tôn trọng cấp dưới, không phân biệt cán bộ lãnh đạo hay đảng viên bình thường, đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước mọi quyết định của Đảng và đều phải giữ vững kỷ luật của Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, không được thù hằn cá nhân khi tiếp nhận ý kiến phê bình của cấp dưới.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng, người lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng phải là trung tâm của sự đoàn kết có trách nhiệm giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của tổ chức đảng và từng đảng viên. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ. Đồng thời phải chăm lo nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực cho cán bộ, đảng viên, để họ tự chủ, tự giác trong tự phê bình và phê bình.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, nhất là kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ giữ các vị trí quan trọng, đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu nại, tố cáo kéo dài nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở những cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không hoàn thành nhiệm vụ công vụ.
Tăng cường tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 54-KL/TW ngày 9/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, biện pháp phối hợp giữa Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cấp ủy với Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy... bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục bệnh hình thức. Đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt của chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng.
Năm là, phân định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; phát huy đúng mức khả năng, vai trò của cá nhân trong tập thể, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, chống lạm dụng quyền lực, bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, hình thành “nhóm lợi ích” trong các cấp ủy, tổ chức đảng. Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những đảng viên là người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận; nếu có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc phải báo cáo cấp ủy cấp trên, kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 457.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 289, 620.
3. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam .
4. Báo cáo sơ kết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương 6 tháng đầu năm 2023.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập I, tr. 223.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011.
2. Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021.