Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ
Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ là cơ sở để xây dựng nghị quyết lãnh đạo có chất lượng, khả thi, đồng thời thể hiện phương pháp, tác phong khoa học, tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên. Từ việc phát huy tốt dân chủ trong sinh hoạt chi bộ còn tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần để cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Phát huy tốt tinh thần dân chủ trong sinh hoạt, công tác sẽ tạo điều kiện thống nhất nhận thức cho cán bộ, đảng viên, để mỗi người thật sự tự giác, tích cực, mạnh dạn bày tỏ ý kiến trong các buổi sinh hoạt chi bộ. Mặt khác, khi thống nhất nhận thức về bản chất của việc phát huy dân chủ sẽ giúp bí thư chi bộ, chi ủy viên và các đảng viên có phương pháp, cách thức phù hợp để tham gia vào quá trình phát huy dân chủ trong chi bộ. Để làm được điều này, trước hết, bí thư chi bộ phải là người có kinh nghiệm, trình độ, phương pháp công tác khoa học, thực sự cầu thị và biết lắng nghe, giải quyết tốt các tình huống trong thực tiễn; mỗi đảng viên phải tự giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý kiến tham gia phải xác đáng, có tính thuyết phục cao. Đại tá, TS Phạm Quang Thanh, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng-công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị chia sẻ: “Để có thể phát huy tốt dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì đồng chí bí thư phải nghiên cứu, nắm chắc nhiệm vụ đơn vị, nắm chắc đội ngũ đảng viên, chuẩn bị chu đáo nội dung sinh hoạt. Quá trình chủ trì, duy trì thảo luận phải thực sự cởi mở, biết động viên, khuyến khích đảng viên tự phê bình và phê bình. Những ý kiến mang tính xây dựng phải được tôn trọng, tiếp thu một cách cầu thị, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, đấu tranh, phê bình những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng trong trao đổi, thảo luận...”.
Tìm hiểu việc tổ chức sinh hoạt ở Chi bộ Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Chính trị, chúng tôi nhận thấy việc ra nghị quyết lãnh đạo hằng tháng của chi bộ đều được trao đổi, thống nhất trong chi ủy. Khi đưa ra họp thảo luận, những vấn đề còn vướng mắc, cần thêm ý kiến đóng góp; công tác lãnh đạo của chi ủy và từng cán bộ phụ trách... đều được đồng chí bí thư chi bộ gợi ý để các đảng viên cho ý kiến. Những ý kiến xác đáng, phù hợp đều được tiếp thu, đưa vào nghị quyết. “Khi nghị quyết đã ban hành thì từ trên xuống đều phải thực hiện nghiêm, được đánh giá chặt chẽ, tránh hiện tượng “nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo”. Cá nhân nào thực hiện không nghiêm đều bị phê bình thẳng thắn. Những ý kiến góp ý với chỉ huy đều được chúng tôi lắng nghe một cách cầu thị, không định kiến. Việc này hết sức cần thiết nhằm tạo niềm tin cho cấp dưới”, Thượng úy Nguyễn Đức Khánh, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội 9 cho biết.
Tại Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), chúng tôi nhận thấy để phát huy dân chủ thực sự, chỉ huy các cấp tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp cán bộ, đảng viên thấy rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình. Trước hết là nghiên cứu, sẵn sàng đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ vào các công việc của chi bộ; đặt ra yêu cầu, khuyến khích cán bộ, đảng viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các công việc chung. Đặc biệt, chỉ huy đơn vị thường xuyên chú trọng giáo dục, tuyên truyền để bộ đội hiểu rõ dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng, vì nhiệm vụ chung, vì sự tiến bộ của đồng chí, đồng đội; tránh dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để đả kích cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Phát huy dân chủ luôn là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh nói riêng. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ còn thể hiện sự tiến bộ trong tư duy, phong cách làm việc, lãnh đạo và trách nhiệm nêu gương của mỗi đảng viên. Mặt khác, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ sẽ tạo không khí đoàn kết, sự gắn bó và yêu mến cơ quan, đơn vị đối với mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sức lan tỏa tích cực, góp phần để cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.