Phát huy dân chủ trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013
Những ngày này, nhiều địa phương trên cả nước đang mở đợt cao điểm kêu gọi người dân tham gia, đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013.
Đáng chú ý, lực lượng công an, tổ công nghệ số cộng đồng đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" hướng dẫn người dân sử dụng VNeID để bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình; đồng thời hỗ trợ bà con tích hợp các loại giấy tờ cá nhân trên ứng dụng này. Không ít địa phương còn “tranh thủ” dịp này lập điểm hỗ trợ giúp người dân cài đặt ứng dụng VneID, kích hoạt tài khoản, hoặc nâng cấp tài khoản lên mức độ 2 với những công dân đủ điều kiện… Đây là minh chứng sinh động cho việc đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận ý kiến, bảo đảm phát huy dân chủ thực chất trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Sau hơn một thập kỷ thực thi, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vai trò là đạo luật gốc, nền tảng chính trị - pháp lý cao nhất của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và xu thế phát triển quản trị hiện đại, nhiều quy định cần được rà soát, điều chỉnh. Việc sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị; thúc đẩy phân quyền, tự chủ địa phương; làm rõ vai trò và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện; cập nhật mô hình chính quyền đô thị, đặc khu, chính quyền số và những vấn đề mới từ thực tiễn phát triển.
Thời gian qua, các khâu, việc liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đã được Quốc hội và toàn hệ thống chính trị triển khai một cách nghiêm túc, bài bản; tinh thần đó đang được phát huy trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân.
Điều cốt lõi là tuyên truyền sâu rộng về mục đích, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung và không giới hạn bất cứ hình thức góp ý nào. Khi người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận, họ mới có thể tham gia đóng góp một cách thực chất. Việc tổ chức các diễn đàn đối thoại, hội nghị, tọa đàm hay hướng dẫn bà con góp ý thông qua các nền tảng số… không chỉ nhằm thu thập ý kiến, mà còn để người dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng khung pháp lý tối cao của đất nước.
Đặc biệt, khâu tổng hợp ý kiến phải được thực hiện khách quan phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Các cơ quan được phân công cần tránh làm hình thức, chiếu lệ. Thay vào đó, phải có hệ thống phân tích, xử lý thông tin khoa học, bài bản, bảo đảm mọi ý kiến đều được lắng nghe và đánh giá đúng mức.
Lấy ý kiến Nhân dân về nội sung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không chỉ là một công đoạn kỹ thuật trong quy trình lập pháp, mà là biểu hiện cụ thể của quyền lực Nhân dân được thực thi, là cơ hội để đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia vào công việc hệ trọng của quốc gia. Qua đó, góp phần bồi đắp niềm tin, củng cố nền dân chủ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia. Thông qua hoạt động này, chúng ta cũng sẽ có những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề lớn của đất nước trong thời gian tới.