Phát huy dân chủ trong sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn dân và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng cao đã được ghi nhận, phản ánh rõ nguyện vọng chính đáng của người dân ở cơ sở.
Nhiều góp ý tâm huyết, sát thực tiễn
Tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 15-5 vừa qua, một số chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm.
Tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo quy định “…Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”.
Về nội dung này, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-góp ý: Cần cân nhắc và hạn chế tối đa các trường hợp đặc biệt, bởi nếu quá nhiều thì bản thân khái niệm đặc biệt sẽ mất đi ý nghĩa.
Bên cạnh đó, cần quy định phân cấp, phân quyền trong dự thảo Nghị quyết về việc cấp có thẩm quyền quyết định trường hợp đặc biệt cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh cũng đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam hoặc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam” vào trước cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn” vào Điều 10 để được chặt chẽ.

PGS.TS Nguyễn Danh góp ý tại hội nghị. Ảnh: P.D
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế-xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Xuân Ảnh góp ý về nội dung trong khoản 1 Điều 110. Cụ thể, đối với quy định: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, ông Ảnh cho rằng cách viết hiện hành chưa thể hiện rõ chính quyền 2 cấp.
“Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xã, phường, đặc khu” bỏ đoạn “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”-ông Ảnh đề nghị.
Liên quan tới khoản 2 Điều 115, ông Ảnh cũng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Bởi lẽ, nếu theo hướng sửa đổi thì đại biểu HĐND chỉ còn quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Trưng-Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ-pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cũng cho rằng: Điều này nhằm bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại địa phương trong thực hiện quyền tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Theo ông Trưng, khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện mà thay bằng Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực (không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể) nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Do đó, cần có cơ chế tổ chức phù hợp để đại biểu HĐND có thể chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân trong trường hợp có vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Lấy ý kiến toàn dân minh bạch và hiệu quả
Dự thảo Nghị quyết gồm 2 điều. Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân; các cơ quan, tổ chức, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Song song với việc tổ chức hội nghị, nhiều cơ quan, đơn vị còn ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng kênh tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến một cách chủ động, minh bạch và kịp thời. Đặc biệt, việc tích hợp tính năng góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trên ứng dụng VNeID với quy trình các bước cụ thể giúp người dân tiếp cận thuận lợi, dễ thực hiện và đảm bảo minh bạch.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: P.D
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm H’Hồng cho biết: Hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cán bộ, hội viên phụ nữ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trọng tâm là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, mô hình tổ chức chính quyền địa phương; trong đó, tập trung góp ý các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9, Điều 10, khoản 1 (Điều 84), Điều 110, khoản 2 (Điều 111), khoản 2 (Điều 112), khoản 1 (Điều 114), khoản 1 (Điều 115) Hiến pháp 2013, bám sát chủ trương và định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
“Về hình thức, Hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp tại cơ quan; đồng thời, khuyến khích hội viên phụ nữ góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID, trên các website chính thức của Quốc hội, Chính phủ và trong các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt các mô hình, tổ, nhóm… đảm bảo mọi hội viên phụ nữ đều có thể tham gia một cách thuận tiện và hiệu quả”-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho hay.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc lấy ý kiến sẽ hoàn thành vào ngày 25-5. Nhằm đảm bảo dự thảo Nghị quyết phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, các ý kiến đóng góp được tiếp thu, tổng hợp một cách khách quan, khoa học và nghiêm túc. Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới.