Phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam'. Bài viết đã phân tích một cách sâu sắc, đầy tâm huyết lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và phương hướng để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng CNXH trong tình hình mới. Và, một trong những phương hướng đó là không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta luôn trăn trở, hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã xác định một trong những đặc trưng chủ yếu mà chúng ta xây dựng là có nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vì vậy, để đi lên CNXH cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới, thì chúng ta phải xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị… Từ thực tiễn đó càng thấy rõ bài viết của đồng chí Tổng Bí thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện sự nhất quán và kiên định về đường lối trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta: muốn đi lên CNXH thì nhất định phải xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đó là điều tất yếu.
Với tư duy khoa học và tầm nhìn lịch sử, khách quan, đồng chí Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra “Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số Nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân.
Nhà nước pháp quyền, theo quan điểm của các nhà tư tưởng trong lịch sử nhân loại, là nhà nước bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội, trong đó pháp luật phải phản ánh ý chí chung, lợi ích chung của Nhân dân; thực hiện và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân; chịu trách nhiệm trước công dân về những hoạt động của mình và yêu cầu công dân thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội; có hình thức tổ chức quyền lực nhà nước thích hợp bảo đảm chủ quyền thuộc về Nhân dân. Tiếp thu các giá trị tích cực, tiến bộ, khoa học về nhà nước pháp quyền trong lịch sử, đồng thời quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật kiểu mới, chúng ta đã vận dụng phù hợp với thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân - là lực lượng chiếm số đông trong xã hội.
Thực hiện dân chủ, tôn trọng và bảo đảm trên thực tế quyền dân chủ và làm chủ của Nhân dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng để trở thành Nhà nước pháp quyền, đối với việc tăng cường uy tín và mở rộng ảnh hưởng của Đảng cộng sản cầm quyền trong xã hội mà còn là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, của cách mạng XHCN và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Mặt khác, phát huy dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân còn thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta, là thước đo, là tiêu chí đánh giá tính chất của dân, do dân, vì dân trong tổ chức hoạt động của Nhà nước ta trên thực tế. Vì vậy, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân là phương hướng, đồng thời là mục tiêu bao trùm trong hoạt động xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.
Qua đó cho thấy, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư vừa mang tính lý luận sâu sắc, đầy sức thuyết phục vừa như là lời kêu gọi, thúc giục toàn Đảng, toàn dân và quân ta ra sức phấn đấu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trên con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.