Phát huy di sản văn hóa ngoại giao của Bác Hồ

Khi tìm cách đánh giá lại một khái niệm như ngoại giao văn hóa, chúng ta phải nhìn lại thành tựu, những bài học đắt giá của các lãnh tụ, nhà tư tưởng vĩ đại.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo do Bộ Ngoại giao và tỉnh Nghệ An đồng tổ chức.

Ý kiến của ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng là tinh thần của Hội thảo quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh với ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới", ngày 29/10 tại Nghệ An. Sự hiện diện của hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có khoảng 10 Đại sứ, đại diện Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam nói lên tầm quan trọng của chủ đề này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phát huy mạnh mẽ “sức mạnh mềm”, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Tầm nhìn vượt thời gian

“Được UNESCO vinh danh vào năm 1987, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị anh hùng dân tộc của Việt Nam và là một nhân vật xuất chúng về văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của người dân Việt Nam mà còn là một người bạn tuyệt vời của các dân tộc trên khắp thế giới”.

Ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam

Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó có Ngoại giao văn hóa. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa - văn hóa của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.

PGS. TS. Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá nét đặc sắc trong phong cách ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập suy nghĩ để tìm ra chân lý, lẽ phải, là phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề, xử lý tình huống phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn.

“Tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện bản lĩnh của Người đó là không lệ thuộc, không bắt chước, tỏ rõ tính chủ động, luôn cập nhật những vấn đề mới, đề xuất mới, phù hợp với quy luật khách quan, xu thế vận động quốc tế và yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam”, ông khẳng định.

Theo ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trải qua những năm bôn ba các đại dương và lục địa, từ phương Đông sang phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành một quan điểm độc đáo về tầm quan trọng của đối thoại liên văn hóa làm nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau và là công cụ ngoại giao quan trọng.

Ông nhấn mạnh, Bác Hồ đã hiểu rất rõ, làm thế nào để đất nước Việt Nam có thể tạo ra và duy trì quyền lực mềm là trung tâm của quốc gia độc lập tự chủ, đồng thời là chìa khóa tốt nhất đưa Việt Nam tiến tới thành công, ổn định và hòa bình.

Công cụ hoạch định chính sách đối ngoại

Vào thời điểm khi một quốc gia mở rộng các mối quan hệ để gắn kết với cộng đồng khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo cho các mục tiêu kinh tế và ngoại giao, ông Michael Croft đánh giá Hội thảo “là bước đi đúng đắn khi chúng ta nhìn lại di sản Hồ Chí Minh, không chỉ đơn giản từ góc độ lịch sử, mà còn đảm bảo những chính sách hiện nay phản ánh được bài học sâu sắc và tầm nhìn xa mà Chủ tịch đã tiêu liệu”.

Theo ông, ngoại giao văn hóa chỉ có thể phát triển tầm quan trọng khi trong vai trò là một công cụ cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia cũng nhất trí, ngoại giao văn hóa phải được xác định là nguồn lực quan trọng, tạo nên “sức mạnh mềm”, góp phần tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng ngoại giao văn hóa Hồ Chí Minh vào thực tiễn, cần phải giữ gìn bản sắc, giữ vững giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lấy đó làm nền tảng để tham gia tiến trình hội nhập, làm phong phú thêm giá trị văn hóa Việt Nam.

Cũng có ý kiến nêu là ngoại giao văn hóa không nên đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà trái lại, được biến đổi qua cuộc cách mạng này.

Hội thảo một lần nữa chứng minh rằng, dù Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, đã bước sang một vận hội mới phù hợp với xu thế tiến lên của thời đại, nhưng những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.

“Bác là một lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho sự nghiệp độc lập, vì tự do cho dân tộc Việt Nam và người dân bị áp bức trên toàn thế giới. Đạo đức cách mạng của Người là tấm gương sáng và Người luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế”.

Ông Viengxay Darasane, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam

(từ Nghệ An)

Vinh Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-hoc-tu-chuyen-tham-nha-nuoc-dau-tien-cua-chu-tich-ho-chi-minh-103488.html