Phát huy du lịch bền vững ở Rạn san hô Great Barrier (Australia)

Rạn san hô Great Barrier là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới nằm trên khu vực Biển San Hô, ngoài khơi bờ biển Queensland, đông bắc Australia.

Theo ông Mark Olsen, Tổng Giám đốc điều hành của tổ chức du lịch khu vực Tropical North Queensland (Australia), ngày nay du khách thường có xu hướng lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ có trách nhiệm hơn tại một khách sạn do người dân địa phương sở hữu, thay vì đến hệ thống chuỗi khách sạn lớn.

Một bức ảnh chụp dưới nước cho thấy ví dụ về hiện tượng san hô bị tẩy trắng ở Rạn san hô Great Barrier. Ảnh: David Gray/AFP/Getty Images

Một bức ảnh chụp dưới nước cho thấy ví dụ về hiện tượng san hô bị tẩy trắng ở Rạn san hô Great Barrier. Ảnh: David Gray/AFP/Getty Images

Ông Mark Olsen cho rằng khách du lịch ngày nay hầu hết là"những người quan tâm đến bảo tồn di sản nhưng họ thực sự chưa biết bằng cách nào để tham gia một kỳ nghỉ có trách nhiệm.

Du khách có thể truy cập trang web Guardian of the Reef để đặt lịch ghé thăm Rạn san hô Great Barrier cũng như xem các video thông tin và nhận mức giảm giá 10% - 20% tại khách sạn.

Nền tảng này nhắm đến những du khách muốn chi tiêu hiệu quả và không có nhiều thời gian để nghiên cứu từng khách sạn và công ty lữ hành để trải nghiệm.

Theo dữ liệu từ Expedia, 90% người dùng trên trang web này cho biết họ quan tâm đến các tiêu chí bền vững khi đi du lịch.

Một số trải nghiệm có thể đặt trước là hoạt động du lịch truyền thống, bao gồm các chuyến đi lặn biển và du ngoạn ngắm cá voi có hướng dẫn viên sinh thái. Những trải nghiệm khác liên quan cụ thể đến bảo tồn như du khách có thể giúp khôi phục cỏ biển, môi trường sống quan trọng của rùa biển hoặc đặt san hô "con" trên các rạn san hô để chúng có thể phát triển.

Cân bằng du lịch và sinh thái

Rạn san hô Great Barrier nổi tiếng toàn cầu nhờ những giá trị độc đáo, cùng với mạng lưới các Khu bảo tồn biển tại Australia có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh thái. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người.

Sự kiện "tẩy trắng san hô" diễn ra hàng loạt tại điểm Di sản này, song song với sự bùng phát của sao biển gai và ảnh hưởng của bão nhiệt đới Tiffany đã tác động nghiêm trọng đến các rạn san hô.

Trước tình trạng trên, Australia từ lâu đã nghiên cứu phương án giữa việc hỗ trợ khách du lịch muốn đến thăm và đầu tư chi phí tại các Di sản Thế giới của UNESCO cũng như chăm sóc rạn san hô, nơi đã phải hứng chịu các sự kiện san hô bị tẩy trắng hàng loạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Cơ quan Thống kê Australia, du lịch đã mang lại 57 tỷ đô la (38 tỷ đô la Mỹ) cho nước này trong năm tài chính 2022-2023, chiếm khoảng 2,5% tổng nền kinh tế của cả nước.

Nhiều du khách đến Australia đã đến Rạn san hô Great Barrier, với diện tích 133.000 dặm vuông, tương đương với kích thước của California. Riêng nơi này cũng đóng góp khoảng 6 tỷ đô la Australia vào tổng doanh thu du lịch của cả nước. Ước tính có khoảng 64.000 người có công việc phụ thuộc vào du lịch rạn san hô.

The Guardian of Reef - "người giám hộ của rạn san hô" là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng do tác giả Simon Morris tạo dựng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch lặn biển và nhận thức về môi trường.

"Người giám hộ của rạn san hô" giải quyết một số vấn đề về môi trường một cách trực diện, thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với Rạn san hô. Với thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho mọi người, tác phẩm này đã trở nên nổi tiếng với những ai yêu thiên nhiên và thích những sự mới lạ.

Ông Olsen tin rằng du lịch là một lợi thế, không phải là bất lợi.

"Có rất nhiều điều mà du khách có thể trải nghiệm ở Rạn san hô Great Barrier, nhưng chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà du khách có thể làm là nhìn thấy nó. Chúng tôi biết du khách sẽ yêu thích nó và sẽ trở thành một phần trong hoạt động bảo tồn cho tương lai", ông Olsen nói.

Ngày càng có nhiều điểm đến yêu cầu du khách tuân thủ một số quy định về môi trường trong chuyến thăm của họ.

Một số nơi trên thế giới như quốc đảo Palau ghi dấu mốc lịch sử trong năm nay khi trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định về Biển cả (HST) - thỏa thuận mang tính lịch sử của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ các đại dương.

Hiệp định này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, góp phần đạt mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030 như đã được các chính phủ đồng ý trong một hiệp ước lịch sử riêng biệt về đa dạng sinh học được thông qua tại thành phố Montreal (Canada) vào năm 2022.

Một công cụ quan trọng trong hiệp định đó là khả năng thiết lập các khu vực bảo tồn biển trong vùng biển quốc tế mà hiện nay chỉ khoảng 1% trong số đó được bảo vệ bằng bất kỳ biện pháp bảo tồn nào./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phat-huy-du-lich-ben-vung-o-ran-san-ho-great-barrier-australia-20240906154223131.htm