Phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Đến nay cả nước đã có 265 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Sau khi công nhận, các bảo vật quốc gia được bảo quản đặc biệt, trang trọng, an toàn. Song bên cạnh công tác bảo vệ thì việc phát huy những giá trị của bảo vật, giúp cho nhiều người biết đến các giá trị ấy cũng là vấn đề hết sức quan trọng...

Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bia Tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đa dạng và giàu giá trị

Hà Nội được mệnh danh là “Thủ đô di sản”, đợt công bố 27 bảo vật quốc gia mới đây, Hà Nội tiếp tục có thêm nhiều hiện vận được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thêm 4 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Thềm bậc Điện Kính Thiên; Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê; Đầu rồng thời Trần; Súng thần công thời Lê Trung Hưng.

Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thuộc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI gồm 2 bát và 5 đĩa, khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn, song đồng nhất về đề tài và kỹ thuật trang trí. Đầu rồng thời Trần được công nhận là bảo vật quốc gia là hiện vật bằng đất nung được xác định là một bộ phận trang trí quan trọng trên bộ mái kiến trúc truyền thống nói chung và kiến trúc thời Lý - Trần nói riêng. Súng thần công thời Lê Trung Hưng, được sử dụng ở Đại Việt từ cuối thời Trần, khoảng cuối thế kỷ XIV.

Tỉnh Bắc Giang cũng là địa phương sở hữu nhiều bảo vật quý. Trong các di sản cổ tiêu biểu ở làng Thổ Hà, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, đình làng chính là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật đại diện cho nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).

Trong đợt công nhận gần đây nhất, tỉnh Bắc Ninh có 3 bảo vật là thạp đồng văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.200-2.300 năm (thế kỷ III-II Trước Công nguyên) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (thành phố Từ Sơn); bia đá chùa Tĩnh Lự năm 1648, niên đại ngày 28/8/1648, niên hiệu Phúc Thái thứ 6, hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm (Gia Bình); tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm, năm 1449, niên đại năm Kỷ Tỵ 1449, niên hiệu Thái Hòa thứ 7, hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm, Thượng phúc tự thuộc xã Nhân Hòa (Quế Võ). Trước đó, tỉnh Bắc Ninh có 14 bảo vật, nhóm bảo vật Quốc gia.

Còn tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện nay trưng bày 3 bảo vật quốc gia là kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang I và vạc đồng Cẩm Thủy. Những năm qua, công tác bảo quản và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia luôn được bảo tàng quan tâm…

Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội được công nhận Bảo vật quốc gia.

Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội được công nhận Bảo vật quốc gia.

Bảo vệ và phát huy giá trị

Luật Di sản văn hóa quy định rõ, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đất nước, bảo vật quốc gia cần có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị xứng tầm với vai trò, vị trí của di sản trong đời sống đương đại.

Tuy nhiên, đã có không ít vụ bảo vật bị mất trộm. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, hiện tượng trộm cắp cổ vật, thể hiện sự manh động và bất chấp của một số phần tử xấu, nhưng chế tài xử phạt lại rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Có lẽ đây là lý do khiến tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt.

Pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 25/12/2015.

Pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 25/12/2015.

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng các địa phương cần thực hiện báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vật, kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường của di sản. Đồng thời kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật.

Bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt về bảo quản, an ninh, do tính đặc thù nên mỗi bảo vật đòi hỏi điều kiện bảo quản riêng. Bởi vậy, công tác bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị bảo vật quốc gia luôn là thách thức không nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, những bảo vật được công nhận cần được trưng bày, triển lãm để người dân thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thêm tự hào và từ đó có ý thức tốt hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản mà cha ông để lại.

Nói về vấn đề trưng bày để phát huy giá trị, PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, việc trưng bày phải được bảo vệ hết sức cẩn thận, tránh việc bị đánh cắp như đã từng xảy ra với một số cổ vật, di sản. Việc trưng bày bản thật chỉ nên giới hạn trong thời gian ngắn sau đó trưng bày bản sao để bảo vệ tốt nhất cho cổ vật.

GS.TS Trương Quốc Bình - Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, mặc dù nhà quản lý đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cổ vật song tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Trong Luật Di sản văn hóa đã có những quy định, tuy nhiên, thực tế các quy định pháp luật cụ thể vẫn chưa đi vào cuộc sống. Luật Di sản vẫn chưa được tôn trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành. Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường các giải pháp, nâng cao chế tài để có thể chặn đứng tình trạng này cũng như vấn nạn ăn cắp cổ vật ở các di tích.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-huy-gia-tri-bao-vat-quoc-gia-5710614.html