Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam
Ngày 3/7, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế 'Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam'.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định, Việt Nam đã làm phong phú hơn kho tàng của nhân loại với 57 danh hiệu của UNESCO vinh danh thành phố vì hòa bình, các di sản, dự trữ sinh quyển, công viên địa chất, danh nhân... Giá trị của 57 danh hiệu được UNESCO vinh danh góp phần mở rộng nhận thức và hiểu biết của cộng đồng quốc tế về Việt Nam.
"Việc tổ chức hội nghị quốc tế này thể hiện sự đồng hành tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh - vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO. Đó là đảm bảo sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ tương lai", ông Hùng khẳng định.
Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết cùng với những di sản đã được UNESCO vinh danh, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc.
“Tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Ông Ngọc mong rằng, hội nghị là “không gian mở” để thảo luận, trao đổi về tầm nhìn đối với vấn đề phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đặc biệt, Ninh Bình mong được các chuyên gia, bạn bè, đối tác chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; Cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; Các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình “đô thị nén” gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; Sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.
Ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng hội nghị có ý nghĩa quan trọng và được lãnh đạo UNESCO đánh giá cao như một sáng kiến đầu tiên trên thế giới bao quát tất cả các danh hiệu UNESCO tại một quốc gia; thể hiện sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, thúc đẩy giáo dục và khoa học ở các tầng nấc khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề xuất hội nghị cần tập trung làm rõ bài học kinh nghiệm, chia sẻ của các địa phương về những câu chuyện thành công trong việc phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; thách thức hiện hữu mà nhiều nơi phải đối mặt trong việc bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO.
Cùng với đó, cần nêu bật một số bài học điển hình quý giá, giải pháp sáng tạo để phục vụ phát triển bền vững của địa phương; kể cả bài học sai phạm, đôi khi rất đắt giá, sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các địa phương trong quá trình nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh hoặc các tỉnh thành mong muốn sở hữu thêm danh hiệu UNESCO.
Ông Edouard Firmin Matoko, trợ lý Tổng giám đốc UNESCO, phụ trách khu vực châu Phi và quan hệ đối ngoại của UNESCO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với UNESCO. Việt Nam cũng là hình mẫu trong việc bảo vệ di sản văn hóa, đứng đầu trong các nước thúc đẩy xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế, phát triển bền vững dựa vào di sản.
UNESCO rất tự hào về các danh hiệu di sản đã đóng góp cho sự phát triển tại Việt Nam. Ông Edouard Firmin Matoko hy vọng các địa phương sẽ phát huy các danh hiệu di sản vì mục đích chung và chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong bảo tồn và phát huy các di sản.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Nhiều vấn đề trọng tâm được đưa ra: Cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, bảo đảm các đô thị là di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình “đô thị nén”, vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; Cơ chế, chính sách đặc thù cho lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng đô thị di sản đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; Cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản; Cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển...