Phát huy giá trị của bảo vật quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 12 đợt công nhận, đến nay, cả nước đã có 265 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Văn hóa Di sản quốc gia.
Bảo vật quốc gia là những hiện vật đại diện cho các thời đại lịch sử, phần nào phản ánh diện mạo về đời sống, văn hóa trong từng thời kỳ của dân tộc Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Trong đợt công nhận mới đây, nhiều báu vật được người dân biết đến như: Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn tại khu di tích Thành Hoàng Đế, tỉnh Bình Định; Tượng Quan Thế Âm tại chùa Cung Kiệm - Thượng Phúc Tự, tỉnh Bắc Ninh; Bộ thành bậc Điện Kính Thiên và Súng thần công thời Lê Trung Hưng tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội; Xe tăng T59 số hiệu 377 tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum…
Theo các chuyên gia, giá trị rất lớn của bảo vật, mức độ quý giá ở tầm mức quốc gia mà chúng sở hữu là không phải bàn cãi. Nhưng ngắm nhìn trực tiếp cả kho tàng đồ sộ là điều không tưởng, bởi chúng được lưu giữ rải rác tại nhiều bảo tàng, cơ sở thờ tự, bộ sưu tập cá nhân cùng nhiều trung tâm bảo tồn, lưu trữ trên cả nước.
Thế nên, trên lộ trình chuyển đổi số, các đơn vị lưu giữ bảo vật đã và đang tìm tòi, sáng tạo những hình thức mới để bảo vật quốc gia đến gần nhất với đông đảo công chúng. In lịch, làm sách, phát hành tem; trưng bày 3D trong hành trình khám phá ảo; ứng dụng hoa văn, chi tiết vào sản phẩm công nghiệp; tạo các bản sao làm đồ lưu niệm; khai thác những công cụ đa phương tiện hiện đại nhất trong hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng... là những phương thức hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu hưởng thụ bảo vật của công chúng.
Điển hình như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày chuyên đề số 20 bảo vật; bộ lịch bloc trọn bộ sưu tập “Bảo vật quốc gia” năm 2023; ấn phẩm song ngữ Việt-Anh “Chín bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; 2 bộ tem Bảo vật quốc gia được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành; Trải nghiệm thực tế ảo VR – Đi tìm Hoàng cung đã mất tại Đại nội Huế…
Không còn im lìm, bất động trong những không gian trưng bày bảo tàng tĩnh lặng, những bảo vật quốc gia được thể hiện lại bằng những hình thức hiện đại, sống động và hấp dẫn hơn. Từ đó, những vỉa tầng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vô giá mà kho báu này tích tụ được bắc những nhịp cầu nối đầy sáng tạo để đến với đông đảo công chúng và giúp họ thêm hiểu, thêm yêu những di sản được bao đời gìn giữ, trao truyền.
Theo nhiều nhà văn hóa, việc sản xuất và khai thác theo nhiều hướng hàng loạt các phiên bản đa kích cỡ của bảo vật quốc gia là rất khả thi. Sự hiện hữu sống động qua những hình hài mới mẻ, hấp dẫn sẽ giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu những di sản ông cha để lại. Từ đó, bảo vật có thể sống động bước vào đời thực, biểu đạt và phát huy giá trị của riêng mình. Đó cũng là điều mà những cá nhân, tổ chức dành trọn tâm sức trên hành trình gìn giữ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, nhất là các biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật.
Thiết nghĩ, để phát huy có hiệu quả giá trị của các bảo vật quốc gia, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích - nơi lưu giữ bảo vật quốc gia, đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-gia-tri-cua-bao-vat-quoc-gia-post461008.html