Phát huy giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước khi về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng.

Quốc khánh 2-9 năm nay cũng là lúc chúng ta nhìn lại quãng đường 55 năm thực hiện Di chúc của Người, phát huy những giá trị tinh thần của Di chúc, chung sức chung lòng, nhân lên khát vọng đổi thay, xây dựng một nước Việt Nam tự chủ, tự cường, hạnh phúc.

Thành công lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám là đặt dấu chấm hết đêm dài nô lệ gần 1 thế kỷ dưới ách thống trị của ngoại bang, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam. Ngày Quốc khánh 2-9-1945 với bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào trong nước và thế giới là một dấu mốc trọng đại, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập với sự ra đời nhà nước cách mạng, mà ở đó, người dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ, sống đời tự do.

Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một tâm nguyện duy nhất là làm sao mang lại “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc”. Trong Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (ảnh nguồn dangcongsan.vn).

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (ảnh nguồn dangcongsan.vn).

Bản Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, mang những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết toàn dân, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình và thịnh vượng.

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới là quá trình biến những bài học về tinh thần lạc quan cách mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ; chăm lo nâng cao đời sống của Nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng… trở thành hiện thực.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế đã phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao suốt gần 40 năm qua với mức tăng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; chúng ta đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD).

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP.

Việt Nam là một trong những nước được Liên hợp quốc công nhận là đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Năm nay, chỉ số này tiếp tục tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Quốc khánh 2-9 là dịp mỗi người nhìn lại mình để thêm hiểu, thêm yêu và ghi tạc công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh-người đã lấy việc dâng hiến đời mình cho dân tộc là lẽ sống, là lý tưởng phụng sự của bản thân. 55 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta càng thấm sâu bài học về đức hy sinh mà Người để lại. Để rồi, mỗi người, nhớ về bài học đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Tuyên ngôn Độc lập, chung sức chung lòng ủng hộ những gì Đảng ta đã chọn, trọn đời vẹn lời thề đi theo Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

ĐÌNH CƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-huy-gia-tri-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-post290946.html