Phát huy giá trị di sản có nguồn gốc từ Thái Y viện triều Nguyễn

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang đánh giá, xây dựng định hướng bảo tồn, kế thừa và phát triển giá trị di sản có nguồn gốc từ Thái Y viện triều Nguyễn để phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.

Chiều 21/10, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và một số đơn vị tổ chức Hội thảo cấp quốc gia với chủ đề "Thái Y viện triều Nguyễn: Lịch sử và triển vọng phát triển".

Hội thảo đã nhận được hơn 40 báo cáo tham luận trên toàn quốc tập trung vào hai nội dung: “Giá trị lịch sử của Thái Y viện triều Nguyễn” và “Thái Y Viện triều Nguyễn - Triển vọng phát triển”.

 Du khách tham quan, trải nghiệm các dịch vụ tại Đại Nam Thái y viện ở TP Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn

Du khách tham quan, trải nghiệm các dịch vụ tại Đại Nam Thái y viện ở TP Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn

Theo Ban Tổ chức, trong những năm qua, tại Huế, các hội nghị, hội thảo, dự án nghiên cứu liên quan đến Thái Y viện triều Nguyễn cũng như các hoạt động sưu tầm, biên dịch và triển khai ứng dụng nền y học cổ truyền xuất phát từ Thái Y viện triều Nguyễn đã thu được một số thành quả nhất định.

Năm 1804, vua Gia Long cho thành lập Thái Y viện với bộ máy tổ chức hoàn chỉnh. Thái Y viện là nơi quy tụ nhiều thầy thuốc giỏi khắp cả nước về Kinh đô Huế để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho hoàng gia và triều thần. Đây là nơi nghiên cứu, truyền nghề y cũng như lưu lại nhiều bài thuốc giá trị của nhiều danh y nổi tiếng.

Mặc dù ngày nay công việc của Thái Y viện không còn nữa, nhưng những điểm son về y học của triều đại vẫn còn, đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, khai thác lịch sử để soi rọi cho công tác kế thừa, đề xuất hướng bảo tồn, phát huy truyền thống vùng đất Ngự y.

Hội thảo lần này nhằm đánh giá một cách hệ thống, định hướng bảo tồn, kế thừa và phát triển giá trị di sản có nguồn gốc từ Thái Y viện dưới triều Nguyễn phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội một cách hữu hiệu.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ về lịch sử hình thành, quá trình hoạt động của Thái Y viện - cơ quan y tế cao nhất dưới triều Nguyễn; cung cấp thêm các tư liệu về các bài thuốc, vị thuốc và phương pháp chữa trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền.

Nhiều đại biểu khẳng định, Thái Y viện đã để lại nhiều bài thuốc có giá trị và phương pháp chẩn trị có hiệu quả. Một số tham luận đặt vấn đề phát huy hiệu quả những nguồn dược liệu quý, các bài thuốc, các phương pháp chữa trị theo y học cổ truyền có nguồn gốc từ cung đình. Từ đó, gợi ý một số hoạt động và phương thuốc vào chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe, tạo thêm sản phẩm đặc trưng cho Cố đô Huế.

Nhiều ý chuyên gia cũng trao đổi, đề xuất chính sách nhằm đưa tinh hoa Đông y một thuở trở thành sản phẩm trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế...

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, việc nghiên cứu để phục dựng các sản phẩm và hoạt động của Thái Y viện triều Nguyễn trong chẩn trị và chăm sóc sức khỏe sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cũng như nét đặc trưng cho địa phương khi phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe với các tỉnh, thành khác.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong khai thác phát triển các loại hình hình du lịch ở khu vực Đại Nội, trong đó có sản phẩm gắn với y thuật cung đình của Thái Y viện triều Nguyễn; tăng cường quảng bá loại hình, sản phẩm du lịch và tinh hoa Đông y Huế; đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-co-nguon-goc-tu-thai-y-vien-trieu-nguyen-post269454.html