Phát huy giá trị di tích Lam Kinh gắn với phát triển du lịch (Bài 1): Điểm đến tâm linh hấp dẫn bậc nhất xứ Thanh

Vẻ đẹp Lam Kinh là sự cổ kính, tôn nghiêm và linh thiêng của đền đài, lăng tẩm đắm mình trong không gian ngập tràn nắng gió và sắc xanh mơn man của rừng. Vẻ đẹp Lam Kinh ví như nốt trầm trong bản hòa ca của tạo hóa, để khi hòa mình vào đó con người dễ tìm được cảm giác yên bình và thanh thản như đã thoát ly khỏi cái thế giới ồn ào bên ngoài.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022.

Lam Kinh là một trong những công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, cũng từng trải qua không ít thăng trầm, thịnh suy theo vận nước. Song, chính sự khắc nghiệt của thời gian và lịch sử đã “gạn đục khơi trong” để Lam Kinh khẳng định được vị thế và vai trò của mình trong tiến trình lịch sử dân tộc; đồng thời, góp phần làm đa dạng, phong phú và giàu có hơn kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Lam Kinh không chỉ có các công trình kiến trúc đền đài, miếu mạo độc đáo, giàu giá trị; mà còn có các bảo vật quốc gia vô giá - những minh chứng sống động và đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử nhiều biến động nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Lam Kinh không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, mà còn thấm đẫm một bầu không khí linh thiêng, trầm lắng và an yên… Tất cả đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của Lam Kinh trong lòng du khách.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022. Ảnh: Minh Hiếu

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022. Ảnh: Minh Hiếu

Dễ đến 5, 7 năm nay lại mới được về Lam Kinh đúng ngày chính hội, để chứng kiến cảnh “người xe như nước, áo quần như nêm” và thêm một lần cảm nhận vẻ đẹp hài hòa của khối kiến trúc uy nghiêm giữa đại ngàn. Ông Trịnh Đình Giác quê ở huyện Triệu Sơn hiện đang sinh sống tại Hà Nội không khỏi xúc động cho biết: “Cứ cách vài năm về Lam Kinh tôi lại thấy có điểm mới. Đó là các công trình được tu bổ, tôn tạo chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa dành cho khu di tích có ý nghĩa đặc biệt này. Đó là việc chỉnh trang cảnh quan bảo vệ môi trường tự nhiên đang được Ban quản lý di tích làm rất tốt. Đó là ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích, tránh cho các công trình bị xâm hại… Vậy nên, mỗi lần về Lam Kinh tôi lại bồi hồi xúc động. Cảnh sắc và không gian trầm lắng của khu di tích mang đến cho con người cảm giác thư thái và yên bình. Hơn nữa, sự linh thiêng, cổ kính và đầy bí ẩn của đền đài, lăng tẩm dễ khiến con người khi bước chân vào sẽ mang theo sự thành kính, ngưỡng vọng”.

Từ một phế tích hoang tàn, suốt mấy thập kỷ qua Lam Kinh đã được sự quan tâm đầu tư rất lớn của Nhà nước và của tỉnh để trùng tu, tôn tạo, nhằm phục dựng lại diện mạo vốn có của công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh đã có lịch sử gần 6 thế kỷ. Lam Kinh ngày nay mang dáng dấp của một công trình bề thế, uy nghiêm và linh thiêng gắn với chức năng của một sơn lăng - nơi diễn ra tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Vương triều Hậu Lê. Đồng thời, với các giá trị về lịch sử, văn hóa đặc biệt to lớn, Lam Kinh đã trở thành điểm đến tâm linh - nơi “về nguồn” của con dân đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022. Ảnh: Minh Hiếu

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022. Ảnh: Minh Hiếu

Bên cạnh đó, Lam Kinh cũng là một trong những di tích có cảnh quan thiên nhiên và môi trường được bảo vệ, gìn giữ tương đối tốt. Do vậy, Lam Kinh đang trở thành một trọng điểm du lịch, đồng thời là điểm đến hấp dẫn du khách của Thanh Hóa vài năm trở lại đây.

Dù không có “gốc gác” Thanh Hóa, nhưng bà Phạm Thị Thanh ở TP Đà Nẵng đã không ít lần về Lam Kinh. Bà cho biết mình và những người bạn cùng sở thích đi du lịch thường đến những điểm du lịch tâm linh, trong đó Lam Kinh là sự lựa chọn tất yếu.

Cách đây chừng chục năm, lần đầu tiên về Lam Kinh - khi đó các công trình còn chưa được phục dựng như bây giờ bà Thanh đã rất ấn tượng với vẻ đẹp của di sản.

“Về Lam Kinh thấy nhẹ nhõm, thư thái và thanh thản lắm. Có lẽ vì đây là mảnh đất thiêng nên có thể khiến con người ta gột rửa bớt những tham, sân, si, để được sống với sự tối giản của tâm hồn. Lần trở lại sau mấy năm dịch bệnh này dường như Lam Kinh ngày càng cổ kính và cảnh sắc cũng càng đẹp hơn”, bà Thanh chia sẻ.

Đông đảo du khách về Di tích lịch sử Lam Kinh.

Đông đảo du khách về Di tích lịch sử Lam Kinh.

Để nâng cao sức hút cho di tích quốc gia đặc biệt này, nhiều năm trở lại đây bên cạnh công tác nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá và liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh Lam Kinh. Điển hình là đón các đoàn famtrip, presstrip gồm các doanh nghiệp, báo chí của các tỉnh trong nước và quốc tế, nhằm giới thiệu vẻ đẹp, quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch Lam Kinh. Đưa hình ảnh Lam Kinh vào ấn phẩm, vật phẩm gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa nhằm phục vụ công tác thông tin quảng bá du lịch tại các sự kiện, hội thảo, hội nghị. Xây dựng và phát triển các ứng dụng du lịch thông minh, trong đó bước đầu tích hợp các tính năng tương tác, tra cứu thông tin, khai thác dịch vụ trên các thiết bị thông minh và trên website du lịch Thanh Hóa, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận và khám phá vẻ đẹp di sản...

Lam Kinh với tất cả vẻ đẹp và giá trị riêng có, đang trở thành điểm đến văn hóa tâm linh rất đáng để du khách khám phá và trải nghiệm mỗi khi về với xứ Thanh.

Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-di-tich-lam-kinh-gan-voi-phat-trien-du-lich-bai-1-diem-den-tam-linh-hap-dan-bac-nhat-xu-thanh/25147.htm