Phát huy giá trị di tích lịch sử để khai thác du lịch - Kỳ 2: 'Đóng khung' di tích
Di tích lịch sử (DTLS) hàm chứa những giá trị quan trọng, thể hiện đặc trưng về một vùng đất giàu văn hóa cho Huế. Thế nhưng, nhiều di tích sau khi công nhận lại bị 'đóng khung', chưa được quan tâm đầu tư, chưa phát huy giá trị.
“Loay hoay” trong việc phát huy giá trị
Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, bên cạnh 7 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, Thừa Thiên Huế còn sở hữu số lượng lớn di tích đã được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh và di tích có giá trị; trong đó, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 94 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê của UBND tỉnh đã phê duyệt, công bố.
Di tích được xếp hạng, công nhận là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, câu chuyện được gì sau khi được công nhận lại là vấn đề hoàn toàn khác. Theo ông Nguyễn Phùng Sơn, đại diện dòng tộc tổ nghề đúc đồng, từ sau khi được công nhận, di tích gần như không thay đổi. Điều nan giải là trong dòng tộc muốn làm gì cũng không được. Không làm thì nhếch nhác, xuống cấp, nhưng làm thì lại rất dễ bị cho là xâm phạm di tích.
Tương tự, ông Nguyễn Tri Thọ, Trưởng họ Nguyễn Tri trải lòng, để đầu tư xây dựng lại cụm di tích Nguyễn Tri Phương quy mô, có thể phát huy giá trị thì dòng tộc không đủ lực, chỉ dừng ở mức sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục. “Cách đây ít năm, có một quả mìn phát nổ làm rớt hàng ngói của di tích. Dòng tộc gửi đơn đến UBND xã để xin sửa chữa. Hơn 3 tháng với nhiều lần đến để thúc giục, nhưng sắp vào mùa mưa vẫn chưa có câu trả lời. Cuối cùng dòng tộc phải làm đơn cam kết, chịu trách nhiệm hoàn toàn khi sửa chữa”, ông Nguyễn Tri Thọ kể lại.
Chùa Giác Lương, xã Phong Hiền, Phong Điền được công nhận di tích quốc gia vào năm 1991. Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền cho hay, huyện nhận định nếu có nhà sư về chùa ở và chăm sóc thì giúp di tích phát huy giá trị. Mối lo là nguy cơ làm tổn hại đến di tích, lâu dài có nguy cơ “mất chùa”. Đó là hai yếu tố xung đột nhau trong trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị. Xét trên nhiều khía cạnh, việc “đóng khung” lại cho thấy phù hợp.
Cơ quan xứ ủy Trung kỳ 1938 - 1939 (đường Phan Đăng Lưu, TP. Huế) được công nhận di tích quốc gia vào năm 1986. Tại đây, vẫn còn lưu giữ những kỷ vật, đồ dùng sinh hoạt quý giá chứng kiến một thời hoạt động của các đảng viên cộng sản, những chiến sĩ cách mạng. Đáng lẽ ra, đây phải là điểm tham quan du lịch… nhưng thật tiếc di tích lại đóng cửa, nằm im lìm trong không gian đô thị huyên náo, sầm uất.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phân tích, khi di tích được công nhận trong một khung mở thì Nhà nước sẽ không thể ôm xuể. Điều này lại vô tình dẫn đến tình huống ỷ lại của người dân, khi cho rằng khi đã được công nhận thì sẽ có đầu tư. Việc công nhận dễ dàng và nhiều cấp có thể công nhận, nhưng lại thiếu đi hành lang pháp lý sau khi được công nhận, di tích sẽ như thế nào, dẫn đến sự “đóng khung” đáng tiếc nhiều DTLS.
Chưa thu hút được khách du lịch
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Nguyễn Lê Phúc từng đánh giá, Thừa Thiên Huế sở hữu một hệ thống các DTLS đa dạng, phong phú, có giá trị. Đây là “kho báu” tài nguyên du lịch bồi đắp thêm cho sự đa dạng, hấp dẫn của du lịch Cố đô khi được phát huy và khai thác đúng mức.
Dù thế, đến hiện nay, sức hút của các DTLS còn khiêm tốn. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh phân tích, dù đa dạng, phong phú, nhưng gần như DTLS không được xúc tiến quảng bá. Trong khi đó, “cái bóng” của di sản thế giới quá lớn. Hạ tầng kết nối các điểm vô cùng khó khăn. Nhiều điểm chỉ đi bằng xe máy, hoặc phải dừng xe và đi bộ. Thời gian khách lưu trú ở Huế lại quá ngắn, nên các doanh nghiệp khó đưa các điểm DTLS vào trong chương trình tour.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch đánh giá, hiện vẫn chưa có hình thức khai thác phù hợp các DTLS. Lượng khách chưa đến các di tích dẫn nên chưa được quan tâm. Khi chưa được quan tâm thì lại chưa được đầu tư để thu hút khách. Như tại khu vực Chín Hầm, dịch vụ chưa chỉnh chu, chỉ bán nước giải khát và một vài quà lưu niệm đơn giản. Ngay cả nhà vệ sinh cũng xuống cấp.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền trăn trở, để phát huy các điểm DTLS thành điểm đến du lịch là câu chuyện không dễ chút nào. Ai cũng có thể nói là điểm đến đẹp như thế, sao không khai thác thu hút khách. Ngay cả điểm đến nổi bật như làng cổ Phước Tích vẫn loay hoay mãi để thu hút khách được ổn định, dù được quan tâm đầu tư không phải ít.
Năm 2022, tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế” được khảo sát, xây dựng và được đánh giá có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, ngay cả trong thời điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2023 vừa qua, tour không được các doanh nghiệp khai thác. Hay sau khi được đầu tư, kỳ vọng thu hút được khách về nguồn đến chiến khu Dương Hòa, thị xã Hương Thủy và địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, thị xã Hương Trà, nhưng rồi câu chuyện vẫn chưa thu hút được khách lại xảy ra.
Thiếu cả nhân và vật lực
Ông Nguyễn Hồng Thắng cho rằng, trên địa bàn huyện Phong Điền có 22 di tích đã được xếp hạng. Nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước mang tính chất định kỳ hàng năm để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo rất khiêm tốn so với số lượng di tích cần được tu bổ, tôn tạo; công tác xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các DTLS, văn hóa chưa được các cấp quan tâm đúng mức.
“Huyện đã có văn bản, việc quản lý trực tiếp các di tích là thuộc về các xã, thị trấn. Thực tế, các xã cũng xây dựng ban quản lý, nhưng hoạt động không hiệu quả. Di tích xống cấp từng năm, khi đánh giá hiện trạng lại không đúng tỷ lệ, đến vài năm sau thì kinh phí trùng tu gấp nhiều lần. Kinh phí chăm sóc, hương khói cho các di tích, lâu nay là xã hội hóa. Đến năm 2023 này, UBND huyện mới hỗ trợ mỗi di tích cấp tỉnh 5 triệu đồng, cấp quốc gia 6 triệu đồng”, ông Thắng cho biết.
Tại Phú Lộc, ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho hay, hiện 50% di tích là được trùng tu, bảo tồn tốt, đảm bảo các điều kiện đón khách du lịch, còn lại vẫn chưa. Khó khăn nhất vẫn là nguồn lực để đầu tư trùng tu và nhân lực để khai thác. Các di tích thường do con cháu, dòng tộc trông coi, nên chỉ gói gọn trong việc hương khói và bảo quản.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, cán bộ quản lý di tích ở các địa phương còn ít về số lượng, trình độ chuyên môn và năng lực còn hạn chế. Một số di tích được giao cho các địa phương trực tiếp quản lý, chưa thành lập được ban quản lý di tích, nên phần nào cũng hạn chế công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đa phần các di tích trên địa bàn tỉnh đều không có biên chế quản lý và thuyết minh cho khách du lịch. Ngay cả di tích Phan Bội Châu và khu vực Chín Hầm, không có nhân lực để trực mở cửa khách tham quan. Tại hai di tích có gắn bảng thông báo vào các ngày có trực thuyết minh và số điện thoại liên hệ.
Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng kinh phí để trùng tu di tích ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế là gần 50 tỷ đồng. Tháng 12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18 về hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đến năm 2030 khoảng 267 tỷ đồng/123 di tích. Theo các chuyên gia, nguồn kinh phí để trùng tu di tích là rất lớn. Đầu tư 1 – 2 tỷ đồng thì chỉ ngang mức xử lý khẩn cấp, sửa chữa tạm thời. Còn để trùng tu bài bản và có thể phát huy được giá trị thì con số phải gấp nhiều lần.
Lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn đánh giá, lâu nay đang có sự chênh lệch giữa kinh phí cho việc trùng tu, phát huy giá trị giữa các di tích nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế và các di tích còn lại. Đây một phần là do yếu tố lịch sử để lại, một phần quần thể được đơn vị Nhà nước quản lý và khai thác, có nguồn thu và cơ chế đặc thù.
Theo quyết định phân cấp quản lý di tích của UBND tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với Quần thể di tích Cố đô Huế và các công trình, địa điểm gắn liền với triều đại nhà Nguyễn; Bảo tàng Hồ Chí Minh quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Lịch sử quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn liền với hệ thống DTLS, khảo cổ quan trọng hoặc có tính liên vùng; UBND cấp huyện quản lý các di sản văn hóa gắn liền với các di tích còn lại và các di sản văn hóa nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh hoặc chưa được xếp hạng do UBND cấp huyện quản lý.