Phát huy giá trị di tích lịch sử để khai thác du lịch - Kỳ 3: Đặt đúng vị trí & xây dựng sản phẩm khác biệt
Bối cảnh lịch sử, văn hóa đã để lại cho Huế số lượng lớn các di tích lịch sử (DTLS) văn hóa, cách mạng. Điều đó kiến tạo cho Huế trở thành thành phố văn hóa đặc trưng riêng, thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Giá trị to lớn
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết về vai trò và trách nhiệm của văn hóa trong tiến trình phát triển của dân tộc, của quốc dân Việt Nam rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Câu nói ngắn gọn mà sâu sắc nói lên vai trò và tầm vóc của văn hóa đối với đời sống của một dân tộc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, đó là nói về sự tồn tại của một dân tộc khi dân tộc ấy gìn giữ được văn hóa của mình.
Quay trở lại với Huế. Bối cảnh lịch sử, văn hóa đã kiến tạo cho Thừa Thiên Huế có hệ thống di tích tính đa dạng và đặc trưng. Chuỗi các giá trị từ phong kiến đến cách mạng tạo thành di sản, văn hóa cho Huế vô cùng độc đáo. Những giá trị, câu chuyện đó, khi nâng tầm lên sẽ biến Huế là kinh đô của tất cả những giá trị văn hóa từ truyền thống đến hiện đại. Mà khi phát huy, nâng giá trị và thăng hoa sẽ giúp Huế vô cùng khác biệt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, một di tích là một câu chuyện văn hóa, là chiều sâu của vùng đất. Đó là những giá trị vô cùng to lớn mà khi đặt đúng vị trí sẽ giúp Huế khẳng định được vị trí thành phố văn hóa, lịch sử trong hệ thống các thành phố văn hóa, lịch sử trên thế giới. Như với di tích Nguyễn Tri Phương, một danh thần có công lao lớn mang tầm quốc gia, nhân vật lịch sử có đóng góp cho sự phát triển của đất nước cần được đặt đúng vị trí hơn nữa. Nếu di tích này nằm ở địa phương khác, tôi tin chắc sẽ được đầu tư, mở rộng quy mô, trở thành một điểm đến lớn, thu hút rất đông du khách.
Xác định đúng vai trò
Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Đây là thời cơ, nên cần phải làm bật cho Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng di sản cấp quốc gia, thành phố lịch sử trong hệ thống thành phố lịch sử của thế giới và khu vực. Đô thị Huế hàm chứa tính nhân văn rất cao, từ DTLS đến cảnh quan. Huế không chỉ có di sản vật thể, phi vật thể mà có di sản thiên nhiên như Tam Giang. Tất cả các di sản phát huy đúng giá trị, nâng tầm sẽ làm bật cho Huế một đô thị khác biệt và duy nhất.
Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, muốn phát huy các giá trị của các DTLS, đầu tiên phải tăng cường nhận thức của cơ quan quản lý, nắm rõ các quy định trong bảo tồn và phát huy của chính quyền địa phương. Quan trọng nhất vẫn là chăm sóc, thường xuyên lui tới di tích; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, học sinh và người dân để tự hào về di tích đang có trên địa bàn để thành những “di tích sống”, còn không di tích sẽ ngày càng xuống cấp, hư hỏng và lãng quên.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, bên cạnh Quần thể di tích Cố đô Huế, các DTLS, văn hóa, nghệ thuật, đến cách mạng có vai trò rất quan trọng trên tiến trình xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hình hài của một thành phố Trung ương tương lai mà điểm nổi bật chính là về di sản văn hóa. Trong đó, DTLS là một trong điểm nổi bật trong bức tranh, là điểm sáng, thiết chế quan trọng của thành phố Trung ương có tính đặc thù riêng. Trong mệnh đề “trung tâm” văn hóa gắn với Nghị quyết 54 thì vai trò thiết chế là vô cùng quan trọng. Các thiết chế phải đầy đủ và đồ sộ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa góp ý, Huế đang trên lộ trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Thiết chế đô thị cũ là rất độc đáo, nên cần thống kê lại 9 đình làng xưa cũ. Đó là tiền thân thiết chế đô thị của 9 phường trong đô thị TP. Huế xưa. Đặc trưng kiến trúc, thiết chế văn hóa còn lưu giữ sẽ làm phong phú thêm cho một đô thị Huế đặc trưng riêng theo tinh thần Nghị quyết 54. Đó là đô thị du lịch vô cùng độc đáo, khác biệt không lẫn với thành phố di sản, thành phố lịch sử nào trên thế giới.
Chọn “hạt nhân”, xây dựng sản phẩm đặc thù
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá, khi đặt các di tích đúng vị trí, xác định đúng vai trò sẽ phát huy giá trị quan trọng là phát triển kinh tế, nhất là ở những địa phương có di tích.
Để phát huy, trước hết là tổ chức rà soát, quy hoạch di tích, cùng với đó là có đề án để bảo tồn và phát huy giá trị. Từ nhận diện đó, xác định các vùng nào quản lý, vùng nào khai thác dịch vụ. Cùng với đó là xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách để tổ chức quản lý, vận hành và phát huy các di tích. Đưa các DTLS vào tổ hợp để xây dựng thiết chế chung. Dựa trên bức tranh tổng thể đó, lựa chọn một số điểm làm “hạt nhân” để khai thác, chứ không thể triển khai cùng lúc toàn bộ sẽ không đủ nguồn lực và thiếu tính đặc trưng.
“Giải quyết “bài toán” kinh tế thì phải có doanh nghiệp khai thác dịch vụ. Muốn làm được điều này thì phải nhấn mạnh lại cần có sự đồng bộ từ quy hoạch, các cơ chế, đến công tác tổ chức. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò dẫn dắt, khai thác dịch vụ xung quanh di tích, lấy di tích làm lực hút. Tất nhiên, phải có những cơ chế tốt, mới có thể thu hút doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đặc điểm các di tích rất nhỏ lẻ, khó quản lý, khó khai thác, nguồn lực lại hạn chế nên giải pháp nào đi chăng nữa, quan trọng nhất là đưa di tích, di sản vào trong đời sống bằng cách tuyên truyền, quảng bá, giáo dục. Vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng. Chỉ khi người dân nhận thức đúng vai trò của di tích, trân trọng, bảo vệ thì di tích đó mới phát huy được giá trị. Đó là bước khởi nguồn để di tích khai thác được khách du lịch.
Phát huy là cách bảo tồn hiệu quả. Cũng phải nhấn mạnh, du lịch văn hóa hiện nay là xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt Thừa Thiên Huế được đánh giá là điểm đến nổi bật của du lịch văn hóa. Nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, không chỉ có nền văn hóa đậm chất truyền thống mà còn mang nét đẹp hiện đại giao thoa. Vì vậy, cần xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, xây dựng thành những sản phẩm mang tính đặc trưng riêng: du lịch di sản văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; du lịch lễ hội…
Ở góc độ khai thác các nguồn khách, ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, cần khảo sát, đánh giá điểm đến để hình thành các tour tuyến hay lồng ghép vào các tour để làm phong phú thêm sản phẩm. Sau đó cần phải xúc tiến quảng bá sản phẩm đến với các nguồn khách có nhu cầu trong và ngoài nước. Hiện nay, chính sách visa mới được ban hành, thời gian lưu trú của khách lâu hơn, nên các đơn vị lữ hành cũng đã xây dựng các sản phẩm mới, ngoài di sản chương trình lồng ghép vào các điểm phụ trợ trên địa bàn tỉnh, nhất là các DTLS.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, các đơn vị quản lý di tích, cơ quan quản lý du lịch và lữ hành cần ngồi lại, lựa chọn những di tích đảm bảo các tiêu chí có thể đón và phục vụ khách du lịch. Cần có những hình thức trải nghiệm mới, hấp dẫn hơn. Các điểm cần được đầu tư hạ tầng giao thông, nếu chưa khai thác được khách lớn thì đón những đoàn khách nhỏ. Trong thời gian đến, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao khảo sát, đánh giá chọn một số DTLS để đưa vào danh mục các điểm đến giới thiệu cho khách. Như triển khai phát triển du lịch làng nghề sẽ gắn với những DTLS liên quan…