Phát huy giá trị, hồi sinh tiềm năng thiết chế văn hóa - Bài 1: Hy vọng từ những nhà hát thường xuyên sáng đèn
Những hoạt động nghệ thuật được tổ chức đều đặn với quy mô lớn không chỉ phục vụ nhu cầu của khán giả, mà còn đem lại sinh khí cho những thiết chế văn hóa tại địa phương. Các chuyên gia khẳng định, thiết chế văn hóa vừa có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, vừa tích hợp được nhiều loại hình giải trí, dịch vụ, hội nghị,… Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh sân khấu khó tìm khán giả.
Thời gian gần đây, nhiều sự kiện nghệ thuật, hội diễn, liên hoan sân khấu,… do đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng các hội nghệ thuật chuyên ngành tổ chức được đến gần hơn với công chúng ở các địa phương, vùng miền.
Tháng 1/2024, chương trình vinh danh các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023 do Bộ VHTTDL chủ trì được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang.
Tối 13/5, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng lần đầu tiên tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024.
Những ngày giữa tháng 6/2024, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) cũng rộn ràng với những vở diễn của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì.
Những hoạt động nghệ thuật liên tiếp được tổ chức không chỉ phục vụ nhu cầu của khán giả, mà còn đem lại sinh khí cho những thiết chế văn hóa tại địa phương.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng khẳng định, thành phố cảng đã trở thành điểm sáng trong lĩnh vực sân khấu của cả nước trong suốt thời gian qua. Thành phố luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân. Hải Phòng đang có 1 Cung văn hóa thiếu nhi, 15 Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao cấp huyện, 192 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã.
Hải Phòng là một trong những địa phương quyết liệt hành động nhằm đưa nghệ thuật tiếp cận đông đảo khán giả thông qua những chương trình biểu diễn đều đặn và chất lượng.
“Các thiết chế văn hóa này là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa - thể thao, là sân chơi quen thuộc của người dân. Từ năm 2023, TP Hải Phòng triển khai kế hoạch Đề án sáng đèn Nhà hát thành phố. Mỗi thứ 7, chủ nhật sẽ có một chương trình nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn tại nhà hát để phục vụ nhân dân”, bà Trần Thị Hoàng Mai nói.
Tại Thái Nguyên, dù Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc do Bộ VHTTDL xây dựng chỉ vừa đi vào hoạt động được hai năm, song đời sống tinh thần của người dân địa phương và vùng lân cận cũng được chăm chút và nâng cao đáng kể.
NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc cho biết, nhà hát là thiết chế lớn của Bộ VHTTDL được đặt tại trung tâm vùng miền núi phía Bắc, đáp ứng niềm mong mỏi lớn của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên cũng như các tỉnh lân cận.
“Từ khi chính thức mở cửa đón khán giả, nhà hát thường xuyên sáng đèn, có những đêm diễn chật cứng khán giả. Tần suất biểu diễn được duy trì là mỗi tháng hai sự kiện lớn. Doanh thu từ việc bán vé ước đạt khoảng 2 tỷ đồng, tính từ năm 2022 đến nay. Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc có sức chứa 1.200 chỗ ngồi. Tuy nhiên, nhà hát chỉ bán khoảng gần 1.000 vé/đêm diễn để đảm bảo chất lượng thưởng thức nghệ thuật cho khán giả”, NSƯT Lê Khánh Toàn nói.
Các thiết chế văn hóa lớn đòi hỏi nhiều hoạt động nghệ thuật đa dạng để duy trì vận hành hiệu quả, đảm bảo hút khách và tránh lãng phí. Với thiết chế mới như Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc, NSƯT Lê Khánh Toàn khẳng định, công tác vận hành còn gặp nhiều trở ngại.
Thực tế, Thái Nguyên chưa phải thành phố lớn, lượng khán giả đến Nhà hát cũng duy trì ở mức độ nhất định. Vì thế, mong muốn của ban lãnh đạo Nhà hát là xây dựng lịch diễn cố định cho từng tháng, từng quý.
“Thói quen thưởng thức nghệ thuật bằng cách mua vé đến nhà hát của khán giả vẫn chưa phổ biến. Để duy trì thói quen này, nhà hát phải đảm bảo các loại hình nghệ thuật khác nhau được trình diễn thường xuyên, phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Trước mắt, nhà hát lên kế hoạch phối hợp với 12 đơn vị nghệ thuật T.Ư. Các dịp lễ, Tết đều có chương phục vụ khán giả”, lãnh đạo nhà hát chia sẻ.
Việc tổ chức liên hoan nghệ thuật cũng giúp người dân quan tâm hơn đến nhà hát. Với mỗi sự kiện lớn, công tác truyền thông quảng bá thường phải diễn ra trước đó cả tháng.
“Là thiết chế công lập, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc cố gắng vận hành để phục vụ nhân dân một cách chỉn chu nhất, không đặt nặng yếu tố lợi nhuận. Mỗi hướng phát triển đều phải cân nhắc để đảm bảo đúng quy định của Nhà nước về sử dụng tài sản công, bảo đảm không lỗ vốn khi mở bán vé”, NSƯT Lê Khánh Toàn nói.
Lãnh đạo nhà hát nhận định, thiết chế văn hóa không chỉ có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, mà cần thiết tích hợp nhiều loại hình giải trí, dịch vụ, hoạt động triển lãm, hội nghị, hội thảo quảng bá du lịch,… Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh sân khấu khó tìm khán giả, phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật và sự phát triển của các thiết bị giải trí thông minh.
Cũng quan tâm đến thói quen thưởng thức nghệ thuật của khán giả, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hải Phòng khao khát vừa bảo tồn, vừa phát huy các thiết chế văn hóa.
Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng mong muốn Nhà hát thành phố bên cạnh chức năng là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng, phải thực sự là nơi trình diễn nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật chất lượng cao.
Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, với mong muốn biến Nhà hát thành phố và Nhà hát Tháng Tám kề bên thành điểm hẹn thường xuyên của du khách và nhân dân Hải Phòng vào hai đêm cuối tuần.
Không khí những ngày diễn ra Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất 2024 tại Hải Phòng luôn sục sôi. NSND Xuân Bắc, Trưởng ban Giám khảo liên hoan nhấn mạnh, phải đến tận khán phòng nhà hát, chứng kiến không khí các buổi diễn mới thấy được sự háo hức không chỉ của các khán giả nhí mà còn của các bậc phụ huynh, ông bà đưa con cháu đi xem.
“Trước một buổi thi có cơn mưa dông lớn kéo đến, mưa tuôn xối xả khiến BTC và đơn vị dự thi vô cùng lo lắng. Nhưng đến đúng giờ biểu diễn Nhà hát thành phố Hải Phòng đã đông kín khán giả, không còn một chỗ trống. Khán giả đến vì tình yêu nghệ thuật và cũng từ sức hút không thể cưỡng lại được của liên hoan”, NSND Xuân Bắc chia sẻ.
NSND Xuân Bắc cũng chứng kiến gia đình đưa con đi xem 3 đêm diễn liên tục. Nhiều khán giả nhí dù xem hết chương trình vẫn không chịu về mà chờ bằng được phần quà - chụp ảnh với diễn viên, nhân vật mà mình yêu thích từ BTC.
Hải Phòng thực sự thành công trong việc phát huy thiết chế văn hóa lâu đời của thành phố. Diện mạo sân khấu thành phố bừng sáng trong gần hai năm qua ở số lượng đêm sáng đèn và chất lượng các vở diễn được đầu tư kinh phí, hoặc mời nhiều nhà hát và đoàn biểu diễn từ khắp mọi miền về đất cảng.
“Điều đáng mừng nhất là sự chuyển biến của khán giả. Từ chỗ họ ngại ngần đến rạp hát, nhiều khán giả hào hứng đặt vé online. Đời sống tinh thần của người dân Hải Phòng ngày càng được nâng cao”, bà Trần Thị Hoàng Mai nêu.
Bà Hoàng Ngọc Quỳnh (Thái Nguyên) cho biết, nhờ có những đợt liên hoan sân khấu nhiều khán giả như bà có dịp thưởng thức loại hình nghệ thuật sân khấu nói. “Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc mới được đầu tư xây dựng nên rất mới với trang thiết bị hiện đại, âm thanh sống động. Nhà tôi ở gần đây nên khi Nhà hát có sự kiện mới tôi đều hào hứng tham gia. Liên hoan còn kéo dài nhiều ngày, tôi chắc chắn sẽ đến xem”, bà Quỳnh chia sẻ.
Lần đầu tiên xem biểu diễn ở Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc, ông Nguyễn Duy Chiến (Thái Nguyên) cho rằng, công tác quảng bá các liên hoan sân khấu rất tốt. Ông đều đặn nhận được tin quảng bá về liên hoan qua mạng xã hội. “Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 được quảng bá mạnh mẽ đến từng người dân nên tôi nắm được thông tin và quyết định đến xem với bạn. Sau khi xem buổi diễn hôm nay, tôi sẽ dành thêm thời gian để đi xem các vở diễn khác”, ông Duy Chiến hào hứng chia sẻ.