Phát huy giá trị, hồi sinh tiềm năng thiết chế văn hóa - Bài 3: Khao khát công trình mang dấu ấn thời đại

Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao xét đến cùng là vì mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện. Đầu tư cho thiết chế văn hóa thực chất, có hiệu quả góp phần tạo ra giá trị dài lâu sau này, về cả vật chất lẫn tinh thần. Bởi thế, các chính sách, nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cũng cần tính đúng, tính đủ các yếu tố này. Chỉ quan tâm đến yếu tố này, xem nhẹ yếu tố kia đều có khả năng làm suy giảm tính hiệu quả, gây lãng phí.

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều vấn đề đang đặt ra từ phương diện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, thiết chế văn hóa, thể thao ra đời trước hết để đáp ứng nhu cầu văn hóa, nhu cầu tinh thần và thể chất của mọi tầng lớp nhân dân, tạo nền tảng để đảm bảo nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như phát triển con người toàn diện.

Chính vì vậy, quá trình xây dựng và ban hành chính sách thúc đẩy hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trước hết phải chú ý tới tính tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả.

“Phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế này, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành, phải bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các chính sách, nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao với các chính sách, nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác”, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Bên cạnh đó, các chính sách, nguồn lực cho phát triển thiết chế cũng phải hết sức chú trọng đến tính phù hợp, bản sắc và hiện đại. Tính phù hợp, bản sắc và hiện đại này phải được thể hiện ở kiến trúc, chức năng, công năng, thể hiện ở trong các hoạt động của các thiết chế.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, phải đổi mới thật sự phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc “phù hợp, bản sắc, hiện đại”. Khắc phục hội chứng “phong trào” và tình trạng “đồng dạng hóa” các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục cho bằng được tình trạng đầu tư và tổ chức các hoạt động để lấy thành tích, mọi nơi đều làm giống nhau mà không tính đến đặc thù của địa phương

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là sự hiện thực hóa quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển con người. Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao xét cho đến cùng là vì mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện.

Do đó, chăm lo phát triển hệ thống thiết chế văn hóa là công việc phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước, cần phát huy vai trò của thị trường và xã hội, từ đó vừa đảm bảo các hiệu ích xã hội, khai thác hiệu ích kinh tế của một số thiết chế văn hóa, thể thao.

NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) cũng quan tâm đến việc xây đắp những thiết chế mang bản sắc từng địa phương. Bởi đây là biểu tượng văn hóa, phản ánh giá trị truyền thống, lịch sử của mỗi vùng miền. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phải được quy hoạch cẩn trọng. Mỗi vùng, mỗi tỉnh đều nên có những thiết chế riêng, mang dấu ấn riêng có.

Ngoài ra, hiện nay nghệ thuật biểu diễn cả truyền thống và hiện đại đều đòi hỏi những nhà hát có cơ sở vật chất tốt, hiện đại. “Nhìn từ tổng thể, quy mô tầm quốc gia, rất mong thời gian tới sẽ có một nhà hát trung tâm, một thiết chế văn hóa lớn đáp ứng tương đối đầy đủ điều kiện biểu diễn của các loại hình nghệ thuật. Thiết chế này không đơn thuần phục vụ cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật của Việt Nam mà đáp ứng được yêu cầu đón những đoàn nghệ thuật quốc tế”, NSND Trần Ly Ly nói.

Đầu tư cho thiết chế văn hóa thực chất, có hiệu quả góp phần tạo ra giá trị dài lâu sau này, về cả vật chất lẫn tinh thần. Để làm được điều đó, những người làm công tác liên quan đến thiết chế văn hóa cần cập nhật kiến thức mới về nghệ thuật, quản lý hành chính, đồng thời có biện pháp xã hội hóa phù hợp để thiết chế thực sự có ích với cộng đồng.

 Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những thiết chế văn hóa, giáo dục tầm cỡ nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử vừa là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất Thủ đô với nhiều hoạt động tham quan và trải nghiệm phong phú.

Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những thiết chế văn hóa, giáo dục tầm cỡ nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử vừa là điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất Thủ đô với nhiều hoạt động tham quan và trải nghiệm phong phú.

Để thay đổi thực trạng thừa về số lượng, yếu về chất lượng của các thiết chế văn hóa hiện nay, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều cần làm đầu tiên là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các công trình này. Với ông, việc đầu tư cho các thiết chế văn hóa cấp cơ sở là đầu tư cho sự phát triển của con người.

“Chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý. Người quản lý không còn là người chủ động cung cấp hoạt động sinh hoạt ở các thiết chế văn hóa. Thay vào đó, cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của người dân, cộng đồng. Đây sẽ là chủ thể trung tâm để xây dựng các sinh hoạt văn hóa, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, các cơ quan quản lý không nên chỉ tập trung xây dựng thiết chế văn hóa mới mà cần biến các công trình này thành không gian văn hóa sáng tạo.

“Các thiết chế văn hóa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa mà còn là nơi khiến mọi người tự hào khi đến, đáp ứng nhu cầu check-in, khoe với mọi người. Chúng ta cũng cần nhân rộng nhiều mô hình hay, sáng kiến tốt của các địa phương trong việc phát triển các thiết chế văn hóa, xây dựng hoạt động, sinh hoạt văn hóa thường xuyên, tích cực”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phép tính cần làm để giải bài toán thiết chế văn hóa hiện nay. Các cán bộ quản lý thiết chế không chỉ giỏi chuyên môn mà cần trau dồi thêm kỹ năng liên quan như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu để quảng bá, thu hút khán giả.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, trong thời gian vừa qua có nhiều thiết chế mới được xây dựng, đi vào hoạt động tạo điểm nhấn cho hoạt động văn hóa, phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Tuy nhiên, nhiêu đó công trình là chưa đủ với nhu cầu hiện nay.

“Những thiết chế mới đi vào hoạt động chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng. Chỉ một vài thiết chế tổ chức được các buổi diễn quốc tế như Nhà hát Hồ Gươm... còn lại vẫn thiếu nhiều thiết chế văn hóa khác, đặc biệt là địa điểm đủ điều kiện tổ chức các sự kiện quốc tế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

 Nhà hát Hồ Gươm đi vào hoạt động chưa lâu nhưng duy trì tần suất biểu diễn ổn định, là điểm hẹn văn hóa của người dân Thủ đô và cả du khách quốc tế.

Nhà hát Hồ Gươm đi vào hoạt động chưa lâu nhưng duy trì tần suất biểu diễn ổn định, là điểm hẹn văn hóa của người dân Thủ đô và cả du khách quốc tế.

Nhà hát Hồ Gươm lọt top 10 nhà hát opera tốt nhất thế giới

Nhà hát Hồ Gươm mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm nhưng trở thành điểm hẹn văn hóa nghệ thuật ấn tượng của Thủ đô, đón nhiều nghệ sĩ quốc tế tới biểu diễn.

Gần 50 chương trình biểu diễn nghệ thuật tại đây đều được tổ chức công phu, hoành tráng. Nhà hát Hồ Gươm vừa lọt top 10 nhà hát opera tốt nhất thế giới do tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. Một trong những tiêu chí để Nhà hát Hồ Gươm có mặt trong nhóm 10 nhà hát tốt nhất thế giới là do những tiêu chuẩn cao nhất về kết cấu âm học mà nhà hát đáp ứng.

Nhà hát cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm các nhà hát opera tốt nhất thế giới. Với kết quả này, công trình của Việt Nam tự hào sánh ngang với nhiều công trình mang tầm cỡ quốc tế, mang tính biểu tượng thế giới như nhà hát Sydney Opera House ở Sydney (Australia) hay Wiener Staatsoper tại Vienna (Áo).

NSƯT Lê Như Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP. Hải Phòng nêu quan điểm, thiết chế văn hóa có tồn tại và phát huy vai trò hay không phụ thuộc vào sự quan tâm của Nhà nước và các bộ, ngành.

“Các ban, bộ, ngành, lãnh đạo địa phương nên có cơ chế đặc thù dành cho thiết chế văn hóa. Nên vận dụng nhiều giải pháp như đẩy mạnh truyền thông, mời gọi các câu lạc bộ, đoàn nghệ thuật nhà hát về biểu diễn. Thời gian đầu, việc này phải xác định là bao cấp, không cần thu tiền, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của khán giả”, NSƯT Lê Như Hải nói.

Ông cho rằng, đó là cơ chế mềm, cần sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiệm vụ khó hơn vẫn là tạo thói quen đến các thiết chế văn hóa cho công chúng.

 Cần thêm những thiết chế mang tính biểu tượng, đặc trưng mỗi vùng miền

Cần thêm những thiết chế mang tính biểu tượng, đặc trưng mỗi vùng miền

Singapore không sở hữu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa quá phong phú nhưng họ khiến thế giới sửng sốt với cách làm sáng tạo để hút khách. Chiến dịch Made in Singapore được khởi động từ tháng 9/2023 đánh mạnh vào những trải nghiệm du lịch tinh túy, dựa trên sự chắt lọc văn hóa bản địa của quốc đảo sư tử này.

Bên cạnh những khu trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, điểm tham quan và công trình hiện đại, cụm nhà hát trái sầu riêng đồ sộ Esplanade tạo thương hiệu riêng, Singapore rất biết cách nâng niu những thiết chế văn hóa “Made in Singapore” để ghim vào tâm trí du khách những giá trị cốt lõi của vùng đất còn khá non trẻ. Trong lòng đất nước hiện đại, sáng choang ấy vẫn ôm ấp, lưu giữ những giá trị văn hóa bản địa.

 Không gian nhỏ xinh của Bảo tàng The Intan tại Singapore được tận dụng tối đa, kéo gần du khách với những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử của đất nước này.

Không gian nhỏ xinh của Bảo tàng The Intan tại Singapore được tận dụng tối đa, kéo gần du khách với những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử của đất nước này.

Ghé thăm bảo tàng The Intan, chúng tôi kinh ngạc khi trong căn nhà tư nhân nhỏ nhắn xinh xắn, chỉ 100m2 chứa tới 5.000 đồ vật về văn hóa Peranakan. Intan là bảo tàng tư nhân nhỏ nhất Singapore nằm ở số 69 Joo Chiat. Peranakan có nghĩa “con lai”. Nó phản ánh lịch sử Singapore. Văn hóa Peranakan sinh ra từ thế hệ hậu duệ người Hoa di cư kết hôn với người Mã Lai bản địa.

Chủ nhân bảo tàng nhà cổ The Intan là Alvin Yapp (54 tuổi) kể, trước đây không để ý đến văn hóa Peranakan nhưng độ 20 năm nay, anh bắt đầu quan tâm, sưu tầm các món đồ Peranakan từ khắp nơi. Những chuyến đi tới chợ địa phương, nhờ những người thân quen mách nhau bán đồ cho anh, dần dần Alvin tích lũy được 5.000 đồ vật từ cỡ lớn như giường, tủ, cấu kiện nhà gỗ, cho tới vật dụng như đồ gốm sứ, giày dép, trang sức...

Nhà cổ độ trăm năm tuổi khá khiêm tốn so với những công trình hàng trăm năm tuổi của Việt Nam, nhưng chủ nhân ngôi nhà cổ ấy đã biến nó thành bảo tàng sống động về văn hóa, con người Singapore và kể chuyện với thế giới.

Khoảng 15 năm trước, Chính phủ Singapore gõ cửa đề nghị hỗ trợ để đưa The Intan trở thành bảo tàng, điểm du lịch chính thức đón khách. Alvin Yapp tự hào về cách lưu giữ văn hóa bản địa của riêng mình. Muốn ghé thăm, khách cần đặt tour hoặc mua vé trước cho các khung giờ từ 7-22h hằng ngày. Chuyến tham quan kèm tiệc trà trong 1 giờ khi khách đến The Intan có giá hơn 1 triệu đồng/người lớn.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 về Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo đó có 4 nhóm chính sách cần quan tâm là chính sách về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, chính sách về quản lý, khai thác, hoạt động, chính sách về huy động các nguồn lực và chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của tỉnh, bố trí quỹ đất cho các thiết chế này ở các vị trí phù hợp.

“Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL có giải pháp xây dựng, lựa chọn và phổ biến các mô hình tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả, phù hợp với vùng miền, địa phương, dân tộc, đối tượng. Bằng các công cụ chính sách pháp luật sẽ khơi thông, huy động nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao là kinh nghiệm của nhiều nước phát triển đã tiến hành, cũng là yêu cầu tiên quyết tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.

Đối với các địa phương, lãnh đạo Bộ VHTTDL đề nghị xác định rõ tiêu chí những dự án về thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với Quy hoạch mà Nhà nước ưu tiên đầu tư để bố trí kinh phí, tránh đầu tư dàn trải.

Việt Nam cũng nhen lên một số bảo tàng tư nhân thành công bước đầu. Rất nhiều bảo tàng tư nhân trải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam nhận phản hồi tốt từ du khách, thậm chí lọt vào danh sách “điểm đến không thể bỏ qua” do những diễn đàn du lịch lớn của thế giới đánh giá như Bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng), Bảo tàng nhà Việt (Hội An), Bảo tàng vũ khí (Vũng Tàu), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Bình Định (Bình Định), Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (Nam Định), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội)...

Từ đây hình thành những không gian, thiết chế văn hóa tư nhân nhưng góp phần tích cực để lưu giữ giá trị nhân văn về vùng đất, lịch sử, con người góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa.

Trong khi chờ đợi giấc mơ công trình mang dấu ấn thời đại, vươn tầm quốc tế thành hiện thực, không gì thiết thực và tuyệt vời hơn là mỗi thiết chế nhỏ trở nên sinh sắc hơn, góp thêm giá trị để làm nên sức mạnh của cả hệ thống thiết chế văn hóa trên cả nước.

 Nhà hát Hồ Gươm điểm hẹn văn hóa của người dân Thủ đô và du khách quốc tế.

Nhà hát Hồ Gươm điểm hẹn văn hóa của người dân Thủ đô và du khách quốc tế.

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-huy-gia-tri-hoi-sinh-tiem-nang-thiet-che-van-hoa-bai-3-khao-khat-cong-trinh-mang-dau-an-thoi-dai-post1646597.tpo