Phát huy giá trị sông Sài Gòn: Thách thức bán đảo Thanh Đa
Phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn để TP HCM hướng đến thành phố toàn cầu đòi hỏi hài hòa nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn lực đất đai ven sông.
Ngày 2-3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức hội thảo "Phát triển không gian sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine". Tham dự hội thảo có Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường.
Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) cùng với tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE), đồng tác giả đã trình bày đến hội thảo báo cáo "Quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - Định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể".
Theo đó, sông Sài Gòn được chia thành 4 phân khu.
Phân khu 1 - Khu Bắc kết nối bản sắc. Khu này là đoạn sông băng qua Củ Chi và Bến Cát dài hơn 48 km. Khu vực này chủ yếu là nông thôn kéo dài. Nơi đây được dự định phát triển hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
Phân khu 2 - Giao diện trù phú bao trùm. Đoạn này ngắn hơn đoạn 1 và phần lớn nằm ở ranh giới giữa tỉnh Bình Dương và TP HCM. Sông Sài Gòn đi qua cảnh quan đặc trưng của vùng ven đô thị. Nơi đây dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn bằng cách xác định rõ ranh giới rõ ràng hơn giữa 2 khu vực này.
Phân khu 3 – Thanh Đa trải nghiệm về nguồn. Đoạn này bao trùm toàn bộ bán đảo Thanh Đa, một khu vực rộng 400 ha và cảng Phước Long rộng 120 ha.
Nhóm tác giả đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300 ha. Hai khu vực này liên kết với nhau bằng tuyến cáp treo công suất cao.
Phân khu 4 – Trung tâm cánh cửa tương lai. Đoạn dài 16 km, kéo dài từ cầu Sài Gòn tới nơi hợp lưu với sông Đồng Nai/Nhà Bè. Đây là nơi thể hiện hình ảnh đẹp của đô thị với phần còn lại của đất nước và thế giới, đồng thời trưng bày những công trình tuyệt vời của đô thị.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cho rằng đây là lần đầu tiên có nghiên cứu toàn diện về sông Sài Gòn. Những quy hoạch thành phố cách đây hàng chục năng cũng đánh giá sông Sài Gòn là trục cảnh quan quan trọng nhất của thành phố. Tuy nhiên, thành phố chưa có điều kiện khai thác.
Theo ông Trần Chí Dũng, khi có ý tưởng tốt thì nên bắt tay ngay quản lý bền vững, thiết kế đô thị cho một số nơi, quản lý và xây dựng theo đúng mục tiêu đặt ra. Qua thiết kế đô thị cần xem xét tạo điểm nhấn cảnh quan ven sông đẹp hơn.
Trong khi đó, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cảm thấy thú vị với nghiên cứu, báo cáo của nhóm tác giả về sông Sài Gòn. Vì vậy, cần có sự chọn lọc và đưa ra kết luận lựa chọn phù hợp. Theo ông, thách thức khó nhất là kinh tế đất, đặc biệt là bán đảo Thanh Đa.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết hội thảo diễn ra trong bối cảnh thành phố đang lập đồ án quan trọng là Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040.
Theo ông Bùi Xuân Cường, các bài tham luận, góp ý là ý tưởng tổ chức không gian sông Sài Gòn, không phải là sản phẩm quy hoạch mà là khuyến nghị cho các đơn vị tư vấn quy hoạch của thành phố tiếp thu các ý kiến, ý tưởng để hoàn thiện các quy hoạch đang làm. Tập trung kết nối, làm việc chuyên sâu để rõ được tầm nhìn với sông Sài Gòn trong quy hoạch thành phố. Đồng thời, ông nhấn mạnh mấu chốt là truyền tải các ý tưởng vào đồ án, cụ thể hóa bằng các quy hoạch phân khu; đảm bảo tính khả thi cho các dự án.