Phát huy giá trị thương hiệu cho các loại cây ăn quả

Những năm gần đây, các loại cây ăn quả của Lào Cai được quan tâm đầu tư, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhiều loại cây ăn quả đã được xây dựng thương hiệu với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, có những loại quả trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương. Thế nhưng, việc sử dụng những nhãn hiệu này có hiệu quả vẫn là 'bài toán' khó.

Người dân huyện Mường Khương thu hoạch, dán nhãn cho quả chuối xuất khẩu chính ngạch.

Người dân huyện Mường Khương thu hoạch, dán nhãn cho quả chuối xuất khẩu chính ngạch.

Cây ăn quả được quan tâm đầu tư

Trải dọc Quốc lộ 70, giao thông phát triển thuận lợi cho việc giao thương nên nhiều hộ ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng) đã đầu tư vào các loại cây ăn quả. Một số loại cây chủ lực như na, nhãn, bưởi được mở rộng diện tích qua các năm. Đến nay, xã Xuân Quang có hơn 700 ha cây ăn quả các loại, tập trung chủ yếu tại 8 thôn dọc Quốc lộ 70. Không còn là cây ăn quả vườn tạp để người dân thu hái theo mùa, các loại cây ăn quả được trồng tập trung thành từng vườn rộng, mỗi khu vườn dành cho một hoặc một nhóm cây nhất định để tăng hiệu quả kinh tế.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn, chị Lương Thị Liên (thôn Bắc Ngầm) giới thiệu những gốc nhãn ghép lúc lỉu những chùm quả to tròn, bên cạnh là vườn na đến độ thu hoạch. Chị Liên cho biết, trước đây chỉ có vài gốc na, nhãn rất ít khi được chăm sóc và đến mùa thu hoạch gia đình ăn không hết thì đem bán. Từ 5 năm trước, gia đình chị bắt đầu đốn tỉa những cây cũ, ghép mắt giống nhãn cùi và đầu tư thêm vườn na mới. Do nhãn, na được chăm sóc tốt nên quả to, mẫu mã đẹp, rất dễ tiêu thụ và giá cao.

Tương tự như cây nhãn, những năm gần đây, các loại cây ăn quả được người dân ở nhiều địa phương quan tâm đầu tư. Có thể kể đến một số cây ăn quả “thương hiệu” được phát triển thành vùng như quýt Mường Khương, mận Bắc Hà, hồng không hạt, lê Tai nung, bưởi Múc, chuối, dứa… Từ các địa phương vùng thấp phù hợp với các loại cây ăn quả nhiệt đới đến vùng cao với nhóm cây ăn quả đặc hữu ưa mát, các loại cây ăn quả dần trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực bên cạnh những cây lương thực truyền thống. Để nâng cao giá trị kinh tế, các vườn cây ăn quả được cải tạo, chăm bón, áp dụng kỹ thuật chăm sóc như tỉa cành, tạo tán, một số hộ có kỹ thuật canh tác cao ứng dụng tưới tự động, thụ phấn bằng tay, ghép mắt… Các cơ quan chuyên môn và các địa phương đã phối hợp xây dựng thương hiệu cho các loại cây ăn quả của tỉnh với hơn 10 loại cây ăn quả được xây dựng nhãn hiệu (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận), trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh với giá trị hàng hóa cao.

Quan tâm đến sử dụng thương hiệu

Trước đây, sau khi các loại cây ăn quả thế mạnh được xây dựng nhãn hiệu thành công, việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu được giao cho hội nông dân cấp huyện. Tại huyện Bảo Thắng, hiện nay có 2 nhãn hiệu đối với các sản phẩm từ cây ăn quả gồm bưởi Múc và quả Bảo Thắng (cấp cho 3 loại quả là na, nhãn và chanh). Theo ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, trên địa bàn huyện có khoảng 2.600 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là dứa, chuối, na, nhãn và bưởi. Cây ăn quả mang lại giá trị thu nhập tương đối cao và ổn định cho người dân trong huyện. Tuy nhiên, dù một số loại quả đã được xây dựng nhãn hiệu thành công nhưng việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nhận thức của người dân nói chung và các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nói riêng về vai trò, giá trị của nhãn hiệu đối với sản phẩm quả vẫn còn hạn chế. Giá trị thương mại của nhãn hiệu cây ăn quả chưa phát huy được hết tiềm năng.

Hầu hết nhãn hiệu đối với sản phẩm cây ăn quả sau khi được chứng nhận trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được giá trị thương mại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc xây dựng nhãn hiệu thành công đã góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản nói chung, các loại cây ăn quả nói riêng và đưa các sản phẩm cây ăn quả “danh chính ngôn thuận” bước chân vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị hoặc các thị trường nước ngoài theo hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Theo ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh, các loại quả thế mạnh tại Lào Cai hầu hết đã được xây dựng thương hiệu với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào nhóm cây ăn quả có tính phổ biến và đối tượng hưởng lợi lớn, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến (GlobalGAP, Organic), quan tâm đầu tư vào chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nhãn hiệu sản phẩm đã được cấp.

Ông Sỹ nhấn mạnh: Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức lễ hội, hội chợ để đưa các loại quả đến những thị trường rộng hơn, cao cấp hơn. Bên cạnh đó, việc nâng cao giá trị thương hiệu, sử dụng thương hiệu cũng cần được sự quan tâm từ địa phương và chính các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong vùng sản xuất để việc sử dụng nhãn hiệu được nhân rộng. Khi được cấp nhãn hiệu, người dân cần sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã được quy định để đảm bảo chất lượng, mẫu mã, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/phat-huy-gia-tri-thuong-hieu-cho-cac-loai-cay-an-qua-z3n2020091109160824.htm