Phát huy giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới
Suốt một đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy giá trị hòa bình làm phương châm hành động, luôn kiên quyết, kiên trì theo đuổi giá trị hòa bình cho toàn nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng, coi đây là mục tiêu nhất quán trong sự nghiệp cách mạng của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có thể thấy rằng, giá trị hòa bình đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, bản sắc độc đáo của dân tộc ta với mong muốn thiết lập tương lai bền vững, lâu dài và củng cố uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh thực sự là kết tinh bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam, trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, trách nhiệm, nhân văn, nhân ái, khoan dung, nghĩa tình được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, di sản tinh thần vô giá, cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc định hình đường lối đối ngoại Việt Nam trong 80 năm qua.

Giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh trở thành di sản tinh thần vô giá soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường càng chứng tỏ bản chất khoa học, tiến bộ, sự phù hợp của giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với quyết tâm “ba không thể để”: không thể để tụt hậu, không thể để đánh mất cơ hội và không thể để lặp lại những vòng xoáy của lịch sử, việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa hòa bình mang tính tất yếu, khách quan, có ý nghĩa sâu sắc, quyết định đến vận mệnh quốc gia - dân tộc. Do đó, cần phân tích giá trị hòa bình Hồ Chí Minh trên các mặt sau:
Thứ nhất, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hòa bình luôn là khát vọng của mỗi con người, mỗi dân tộc, rộng hơn là của toàn nhân loại. Từ thời thơ ấu, khi chứng kiến các cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc của các bậc sĩ phu trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, nhận thức này của Người đã hình thành và được củng cố, phát triển trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Thống nhất nhận thức và hành động, Người luôn trân trọng hòa bình, tìm mọi cách, tranh thủ mọi phương thức, tận dụng mọi cơ hội vì hòa bình, kiên quyết chống chiến tranh. Người là hiện thân cho ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức. Trên cơ sở đó, Người đã nhiều lần gửi thông điệp hòa bình, hữu nghị đối với Chính phủ và nhân dân toàn thế giới.
Các thông điệp đó đều khẳng định Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai” và “sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng”; đồng thời mong muốn toàn nhân loại có thể chung sống hòa bình dù có sự khác biệt về thể chế chính trị, ý thức hệ, mong rằng các cuộc tranh chấp, xung đột đều có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Từ giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, không chọn bên, chọn phe, không ngả về phe này để chống phe khác mà đứng về phía chính nghĩa, lẽ phải, công lý, ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật lệ với quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng. Chủ trương nhất quán này được thể hiện rõ thông qua chính sách “bốn không” của quốc phòng Việt Nam, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Bên cạnh đó, Việt Nam nhất quán lập trường, quan điểm cân bằng, khách quan, toàn diện về các tranh chấp, xung đột quốc tế, kêu gọi các bên kiềm chế, không leo thang, phức tạp hóa tình hình, đề nghị các bên đối thoại, đàm phán, sử dụng các biện pháp ngoại giao để thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, củng cố niềm tin chính trị chiến lược trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, hòa bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hòa bình chân chính trong độc lập, tự do chứ không phải đầu hàng hay nhượng bộ những vấn đề có tính nguyên tắc. Dân tộc Việt Nam luôn mong muốn sống trong hòa bình nhưng không đồng nghĩa với sự yếu hèn, nhu nhược hay lệ thuộc vào ý đồ của nước khác. Hòa bình là giá trị trường tồn, bất diệt, nguyện vọng tha thiết của muôn triệu người Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên, chúng ta kiên quyết không chấp nhận những yêu sách vô lý, những đề nghị vượt ngoài khả năng hay bất kỳ sự đe dọa, ép buộc nào buộc nước ta phải đánh đổi độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trước hết, hòa bình phải đi liền với độc lập dân tộc và CNXH, là chân lý, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Kế thừa và vận dụng giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh trong bối cảnh đương thời, Đảng, Nhà nước ta đã quán triệt, triển khai, từng bước bổ sung sâu sắc hơn, đầy đủ hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công CNXH ở nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”. Đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”. Trải qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ, có quan hệ hữu nghị đặc biệt với 3 quốc gia, đối tác chiến lược với 23 quốc gia (trong đó 13 quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện), 14 quốc gia là đối tác toàn diện. Đồng thời, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức quốc tế, khu vực, đóng góp tiếng nói quan trọng nhằm thúc đẩy vị thế, vai trò của các cơ chế đa phương; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm trong ASEAN, xây dựng ASEAN trở thành tổ chức nòng cốt, có vai trò trung tâm trong việc thiết lập, dẫn dắt các cơ chế, khuôn khổ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Việt Nam chủ động nêu và triển khai thực hiện các sáng kiến quốc tế, khu vực được dư luận thế giới đánh giá cao, khẳng định mong muốn “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Thứ ba, hòa bình là giá trị bền vững, lâu dài, được chứng minh qua thời gian, phản ánh bản chất nhân văn, nghĩa tình, trách nhiệm, thủy chung của con người Việt Nam. Giá trị hòa bình mà Người đề cập trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình dựa trên công lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng, không thỏa hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công xã hội, với những vi phạm quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc. Thông điệp về hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho một lập trường nhất quán, kiên định và vững vàng. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào – từ sự biến chuyển của tình hình quốc tế, khu vực cho đến trong nước – Người vẫn giữ nguyên quan điểm và cách tiếp cận về một nền hòa bình mà dân tộc Việt Nam hằng khao khát, hướng tới. Chính vì vậy, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nước ta luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, trong sáng, vô tư của cộng đồng quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp từ sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta không bao giờ quên sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu mà các nước trên thế giới đã dành cho Việt Nam, nhất là trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Giữa một thế giới biến đổi không ngừng, quan hệ quốc tế có sự đảo chiều nhanh chóng, phức tạp, Việt Nam tiếp tục coi trọng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á; mở rộng cánh cửa hợp tác, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, bạn bè truyền thống; xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ với các nước lớn trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Một minh chứng sinh động trong thời gian gần đây là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga, dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng. Có thể thấy rằng, chuyến công tác của người đứng đầu Đảng ta đến các nước thuộc Liên Xô (cũ) đã gửi đi thông điệp và có sức lan tỏa về một Việt Nam nghĩa tình, trách nhiệm, hoàn toàn không vì thế sự xoay vần mà “bỏ bạn”, phản bội, lãng quên, xét lại lịch sử. Sự hiện diện của Tổng Bí thư Tô Lâm trong Lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ đã thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới. Việt Nam luôn ghi nhớ, khẳng định vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ vững chắc hòa bình thế giới, tạo thời cơ để nhân dân Việt Nam tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm là minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các đối tượng luôn tìm cách bẻ cong chân lý, viết lại lịch sử dựa trên các luận điệu hư cấu, phiến diện, chủ quan với mưu đồ chính trị xảo quyệt, tinh vi.
Thứ tư, giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh không chỉ nhằm xây dựng nền hòa bình lâu dài, bền vững, chân chính trong nước mà còn góp phần kiến tạo hòa bình, vì sự phát triển, thịnh vượng trên toàn thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí”. Với tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”, “người với người là bạn”, “giúp bạn là giúp mình”, Người mong muốn Việt Nam sẽ trở thành cầu nối, điểm hẹn của hòa bình, góp phần xoa dịu các tranh chấp, xung đột quốc tế, thúc đẩy sự hợp tác, phát triển và tiến bộ của toàn nhân loại.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh. Vì thế, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ mong muốn kịch bản đó sẽ lặp lại đối với bất cứ quốc gia - dân tộc nào trên thế giới. Kể từ Đại hội XIII (2021) đến nay, bằng nỗ lực không mệt mỏi, với động cơ trong sáng cùng tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển, Việt Nam đã bảo trợ, đồng bảo trợ các nghị quyết trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có nhiều nghị quyết góp phần giải quyết tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình như Nghị quyết số 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân trong xung đột (2021), Nghị quyết về công nhận Nhà nước Palestine là thành viên của Liên hợp quốc (2023), Nghị quyết kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (2024)… Bên cạnh đó, để giải quyết cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine từ năm 2022, Việt Nam sẵn sàng làm trung gian hòa giải, tham gia các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để sớm chấm dứt xung đột và cung cấp địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán giữa các bên có liên quan. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tuyên bố sẵn sàng cung cấp địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình giữa các nước khi trước đó, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (2019) để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Cùng với đó, Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ (02/2023), Myanmar (3/2025), cử quân nhân tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc… Cùng với các lực lượng chức năng ở nước sở tại, các cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội Việt Nam đã thắp lên ánh sáng hy vọng, mang theo hơi thở của sự sống, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với những nạn nhân còn sống, gia đình của họ và người dân địa phương, là minh chứng sống động về chủ nghĩa nhân đạo không biên giới trong thời đại ngày nay.
Từ quá khứ đến hiện tại, giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh trở thành di sản tinh thần vô giá soi đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh, khơi gợi niềm tự hào, tâm thế tự tin để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển vượt bậc, đóng góp xứng đáng vào giá trị tiến bộ và nhân văn của nhân loại.