Phát huy giá trị văn hóa Huế trên nền tảng di sản để phát triển bền vững

Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, kiên trì mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, con người.

Quy hoạch, trùng tu di tích luôn được ưu tiên

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị, di sản văn hóa. Địa phương đã tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu các di tích văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng tiêu biểu; trùng tu các công trình tại Đại Nội Huế như: Điện Thái Hòa, Điện Kiến Trung…; các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế; Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan và làng Dương Nỗ…

Điện Kiến Trung – một trong những cung điện quan trọng trong Đại nội Huế hoàn tất trùng tu, thu hút nhiều người dân, du khách tham quan.

Điện Kiến Trung – một trong những cung điện quan trọng trong Đại nội Huế hoàn tất trùng tu, thu hút nhiều người dân, du khách tham quan.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện di dời những hộ dân sinh sống trên Thượng thành đến nơi ở mới và tái định cư dân vạn đò sông Hương để bảo đảm tính nguyên vẹn của di sản.

Song song với đó, các loại hình nghệ thuật diễn xướng, lễ hội văn hóa đặc sắc đã được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công các kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế, góp phần nâng cao vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, thúc đẩy mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang tập trung xây dựng Huế thành Kinh đô Áo dài Việt Nam, Kinh đô Ẩm thực; nâng cao chất lượng dịch vụ Ca Huế; triển khai thực hiện Đề án Festival bốn mùa. Đồng thời, phát huy giá trị phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, địa phương này còn đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh đã trở thành xu hướng phát triển chính. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của tỉnh ngày càng đa dạng. Từ đó, góp phần giúp địa phương phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hút nhiều dự án đầu tư về dịch vụ, du lịch và các lĩnh vực khác.

Lễ Khai mạc Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 tổ chức tại điện Kiến Trung thực sự là chương trình nghệ thuật âm thanh, ánh sáng ấn tượng.

Lễ Khai mạc Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 tổ chức tại điện Kiến Trung thực sự là chương trình nghệ thuật âm thanh, ánh sáng ấn tượng.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ không gian của di sản với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả. Phát động nhiều phong trào để nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn nét đẹp của không gian văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và vẻ đẹp của con người xứ Huế, thực hiện Huế ngày càng Xanh - Sạch - Sáng. Qua đó, nhận thức của cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa ngày càng cao. Hệ sinh thái cảnh quan đã được nhận diện và trân trọng.

Kinh tế phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa

Từ những nỗ lực giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, di sản văn hóa Thừa Thiên Huế đã được ghi nhận và đánh giá cao. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2021/QH15 về các cơ chế, chính sách áp dụng đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản.

Việc thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản tạo điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ-TW của Bộ Chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Văn hóa và con người Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh Đình Hoàng

Văn hóa và con người Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh Đình Hoàng

Với những kết quả đã đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa, Thừa Thiên Huế đang khẳng định lối đi riêng rất thành công để trở thành đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh". Vị thế là trung tâm trong 4 lĩnh vực: văn hóa - du lịch; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đang dần được khẳng định, phấn đấu để trở thành một trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm miền Trung, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển kinh tế tỉnh trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng, kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; mặt khác, kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả phải dựa trên nền tảng văn hóa và vì mục tiêu văn hóa, con người.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, xác định văn hóa và con người xứ Huế là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc và đồng bộ, toàn diện những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, kiên trì mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, con người.

Tỉnh luôn xác định các giá trị văn hóa, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa; là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững đúng với thế mạnh và đặc trưng riêng của mình.

H.Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-hue-tren-nen-tang-di-san-de-phat-trien-ben-vung-169240731101331364.htm