Phát huy giá trị văn hóa làng trong đời sống hiện đại

Văn hóa làng chính là cội nguồn, là hồn cốt của nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa làng góp phần tạo nên những giá trị riêng, đặc sắc cho mỗi vùng, miền. Tuy nhiên, ngày nay, dưới tác động và ảnh hưởng sâu sắc của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đất và người ở Hà Nam nói riêng, ở Việt Nam nói chung cũng đang biến đổi từng ngày, từng giờ; văn hóa làng và góc nhìn về văn hóa làng vì thế cũng thay đổi. Vậy, làm thế nào để gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa làng trong đời sống hiện đại; đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

Từ quan điểm về làng và văn hóa làng truyền thống

Theo các tài liệu nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, làng của người Việt từ xa xưa đã được xây dựng thành những tổ chức xã hội nhất định. Diện mạo của các tổ chức xã hội này được hình thành theo nhiệm vụ, được quy định trong hương ước, phong tục của làng. Hương ước của làng là một di sản văn hóa quý giá, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của làng. Ở mỗi vùng miền của đất nước, làng có những đặc trưng riêng. Từ đó, hình thành nên văn hóa gia đình và nhân cách con người ở mỗi vùng miền, với những nét khác biệt. Do nhu cầu sống, tổ chức sản xuất, chống chọi với thiên tai, địch họa mà cư dân trong làng đã cố kết lại với nhau thành cộng đồng bền chặt. Làng quê vừa là nơi người dân cư trú, sinh sống, lao động, sản xuất và tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa đồng thời là nơi cố kết mối quan hệ dòng tộc, xóm giềng. Văn hóa làng chính là hệ thống những giá trị hình thành qua bao đời, là công cụ, phương tiện tổ chức và duy trì toàn bộ hoạt động của cư dân. Người dân trong làng sống nặng tình nghĩa. Tình làng nghĩa xóm, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống, kỷ cương của làng.

Nói như ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam: Điểm nhấn đặc trưng của văn hóa làng truyền thống trước hết phải nhắc đến hình ảnh: chùa làng, đình làng; đời sống tôn giáo, tín ngưỡng; phong tục, tập quán; cách ứng xử... Hương ước chính là luật lệ của làng được ghi thành văn bản, có tính bắt buộc các thành viên của làng phải tuân thủ. Nó quy định cơ chế và phương thức hoạt động, phong tục và tập quán, mối quan hệ ứng xử nội bộ trong làng. Hương ước gắn bó các thành viên trong một cộng đồng tương đối chặt chẽ và tự nguyện, lệ thuộc lẫn nhau, phục tùng các quy định và sự quản lý của làng...

Theo học giả Trần Quốc Vượng: “Văn hóa Việt Nam cổ truyền về bản chất là một nền văn hóa xóm làng” (Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội 2007). Còn nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn nhấn mạnh: “Văn hóa làng có nội dung cực kỳ phong phú. Nhiều khi làng đã giải thể nhưng văn hóa làng thì vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài” (Làng Việt Nam- Một số vấn đề kinh tế-xã hội- văn hóa, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2001). Thực tế, các yếu tố, bộ phận trong văn hóa làng không tồn tại riêng biệt mà hòa quyện vào nhau tạo nên bản sắc, đặc trưng của cộng đồng làng; đồng thời văn hóa làng luôn vận động và phát triển, các thế hệ kế tiếp luôn có ý thức sáng tạo, phát huy vốn văn hóa cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Nghi thức rước bát hương tại Lễ hội làng Tiên Lý, xã Đồn Xá (Bình Lục). Ảnh: Thu Minh

Phát huy giá trị văn hóa làng trong đời sống hiện đại

Công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo sự biến đổi rõ nét trong đời sống xã hội, trong đó, có văn hóa làng. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục nhận định: Biến đổi văn hóa làng quê cho phù hợp đời sống hiện đại là một điều tất yếu. Đó chính là sự vận động, thay đổi của bức tranh văn hóa làng quê cũng như sự biến đổi của các thành tố, phương diện trong chỉnh thể đời sống văn hóa của làng quê. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ngày càng sâu rộng, nhanh chóng như hiện nay, thì những biến đổi trong bức tranh văn hóa của làng quê diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đó là sự thay đổi từ lối sống, cách sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đến cách tư duy, nếp nghĩ, hệ giá trị, các phong tục tập quán. Một quá trình chuyển đổi cơ cấu văn hóa đang diễn ra do những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, với xu hướng tiếp biến, đan xen giữa các yếu tố cũ và mới, nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại…

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa đạt 48,1%, tăng 10% so với năm 2022. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp xây dựng đạt 68,5%, dịch vụ đạt 24,2%, nông, lâm, thủy sản còn 7,3%; bình quân thu nhập đầu người đạt 96,3 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,49%; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93,2%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh theo tiêu chí mới đạt 99%; tỷ lệ người tiêu dùng nông thôn sử dụng các sản phẩm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số có kết nối internet đạt trên 90% và vẫn có xu hướng gia tăng. Bên cạnh các hoạt động giải trí, việc chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ cuộc sống của người dân cũng ngày càng được quan tâm hơn.

Nhìn vào thực tế bức tranh nông thôn Hà Nam năm qua có thể khẳng định: Khi đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc, người dân ở các làng quê có điều kiện quan tâm hơn đến việc bảo tồn, giữ gìn các di tích cũng như phục dựng các lễ hội của làng. Các di tích được đầu tư tu bổ, làm mới, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội cổ truyền được tiếp nối, duy trì, ngày càng trở nên đặc sắc hơn với nguồn kinh phí tổ chức và nhân lực tham gia không ngừng được tăng cường, xã hội hóa.

Bên cạnh các nghi lễ, trò chơi truyền thống, lễ hội làng cũng được bổ sung nhiều hoạt động mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, các trò chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ đặc sắc. Cùng với nỗ lực tiếp nối và bảo lưu giá trị, ý nghĩa của lễ hội làng, người dân ở các làng quê cũng đang ngày càng có xu hướng trở lại với những thực hành tín ngưỡng truyền thống khi điều kiện kinh tế, đời sống vật chất có bước tiến đáng kể so với trước đây. Sự thay đổi về địa giới hành chính trong mấy năm gần đây đã tạo nên sự giao thoa, đan xen giữa văn hóa làng - phố... Nhiều làng quê hiện nay có sự pha trộn, đan xen giữa nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại, nông thôn và đô thị.

Quá trình đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan làng quê. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực như: diện mạo làng quê trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư cải tạo, nâng cấp, thì cấu trúc không gian làng quê truyền thống đang bị thay đổi một cách tùy tiện. Nhiều di sản văn hóa ở làng quê đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Trong lúc các thiết chế văn hóa mới chưa thực sự có chỗ đứng trong tâm thức của người dân thì các thiết chế văn hóa truyền thống đã bị mai một. Vì vậy, để giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng trong đời sống hiện đại, rất cần có những định hướng, những cơ chế chính sách đầu tư, phát triển văn hóa cụ thể, thiết thực, phù hợp; sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân.

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-van-hoa-lang-trong-doi-song-hien-dai-111379.html