Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm là mốc thời gian quan trọng để mỗi người hướng về cội nguồn, gia đình, qua đó nuôi dưỡng những giá trị văn hóa của dân tộc.

Những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống nhằm tạo sự lan tỏa, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Mỗi gia đình là một tổ ấm để yêu thương. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Mỗi gia đình là một tổ ấm để yêu thương. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Vun đắp giá trị tốt đẹp

Ở thôn Xuân Hội, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, mọi người biết tới gia đình ông Đỗ Văn Quán và bà Đỗ Thị Khuy với lối sống mẫu mực, hòa thuận và là gia đình sống tốt đời đẹp đạo. Nuôi 6 người con trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông Quán vẫn nỗ lực để cho các con được học hành đầy đủ. Nghe lời bố mẹ, các con ông Quán đều chăm chỉ học hành, đạt nhiều thành tích. Trong 6 người con, có 3 người đã theo học tại các trường đại học, trong đó 2 người theo học ngành y. Hiện nay, 2 con trai và con dâu của ông Quán đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Đến nay, các con dâu, rể của ông Quán đều có việc làm ổn định, kinh tế khá giả. Đặc biệt, các cháu nội, ngoại của ông bà đều học giỏi. Nhiều cháu theo học và thi đỗ tại Trường Trung học Phổ thông chuyên Lương Văn Tụy, các trường Đại học có tiếng của cả nước như Đại học Y, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội; có cháu hiện đi du học tại Nhật Bản; có cháu đã ra trường và được nhận vào làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp đòi hỏi về trình độ chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ cao.

Giờ đây "trái ngọt" giúp ông bà an hưởng tuổi già là khi các con đều có việc làm ổn định, gia đình chung sống hạnh phúc, đặc biệt con cháu hiếu thuận, luôn dành sự quan tâm, chăm sóc, động viên cha mẹ sống vui, sống khỏe. Gia đình ông Đỗ Văn Quán là gia đình công giáo đạt nhiều danh hiệu như Gia đình hiếu học, Gia đình văn hóa, Gia đình hạnh phúc tiêu biểu của xã.

Ông Đỗ Văn Quán chia sẻ, chúng tôi luôn ghi nhớ những răn dạy giáo lý của người công giáo, trong đó tình yêu thương, chia sẻ, hiếu thuận luôn được đặt lên hàng đầu. Phát huy những giá trị vốn có của gia đình, tôi luôn coi trọng việc ứng xử trong gia đình và với xã hội. Thế nên ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi cùng thống nhất giáo dục các con phải biết kính trên nhường dưới, yêu thương cha mẹ, anh em, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Với con cháu trong nhà, không kể trai hay gái, vợ chồng tôi đều lưu tâm uốn nắn từng lời ăn tiếng nói, cách thưa gửi, nấu nướng, ăn mặc, đối đáp với mọi người, thậm chí cả việc bài trí trong nhà sao cho thẩm mỹ, sạch sẽ… Từ đó, nền nếp gia đình được vun đắp và truyền từ đời này sang đời khác.

Gia đình ông Hoàng Tường Thái và bà Trịnh Thị Dự, xóm 4, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn là gia đình chung sống nhiều thế hệ. Bữa cơm gia đình luôn là khoảng thời gian vui nhất, là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học tập. Vì vậy, trở về nhà sau một ngày làm việc bận rộn, thưởng thức những bữa "cơm lành, canh ngọt" không chỉ đơn thuần là mọi người cùng ăn những món ngon mà đặc biệt hơn đó là sự gắn kết giữa các thành viên, hình thành nên truyền thống gia đình.

Nói về bí quyết cuộc sống gia đình luôn hạnh phúc, ấm cúng, bà Trịnh Thị Dự chia sẻ, từ bao đời nay, nhiều nét tinh hoa văn hóa của dân tộc được đúc kết từ trong nếp sống gia đình truyền thống. Đạo lý "Kính trên, nhường dưới", "Uống nước, nhớ nguồn" là điều không thể thiếu đối với việc gìn giữ những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Mỗi thế hệ có nếp nghĩ, cách sống khác nhau nhưng nếu mỗi người biết nhường nhịn, thấu hiểu, ông bà, cha mẹ biết bỏ qua những lỗi lầm của con cháu và con cháu biết kính trọng ông bà thì sẽ duy trì được cuộc sống vui vẻ, đầm ấm trong gia đình có nhiều thế hệ. Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình có hòa thuận, hạnh phúc xã hội mới phồn vinh phát triển bền vững được.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có gần 300 nghìn gia đình trong đó có trên 272 nghìn hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm 91,86%. Trong những năm qua, đã có rất nhiều gia đình tại Ninh Bình được biểu dương, khen thưởng từ cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Điển hình, năm 2013 đã có tám gia đình được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong 4 năm 2015-2018 có 106 gia đình được biểu dương, khen thưởng cấp tỉnh và rất nhiều gia đình tiêu biểu đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể biểu dương, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Gia đình hạnh phúc - quốc gia thịnh vượng

Trẻ em vùng cao mặc quần áo đẹp trong dịp tết nguyên đán của dân tộc. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Trẻ em vùng cao mặc quần áo đẹp trong dịp tết nguyên đán của dân tộc. Ảnh tư liệu: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Ngày Gia đình Việt Nam được tỉnh Ninh Bình tổ chức từ năm 2001 và đang dần trở thành một sự kiện văn hóa tiêu biểu trong tháng 6 nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Đây là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm đã được nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, tạo điều kiện cho nhiều gia đình cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Nhờ đó, tại tỉnh Ninh Bình, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa đã được nâng lên, từ 38,3% năm 2001 lên 73,1% năm 2005, đến 2018 đạt 88,21%, năm 2022 đạt 91,86%. Đó là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa gia đình của Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến và tạo tiền đề thuận lợi cho gia đình Việt Nam phát triển bền vững.

Bà Vũ Thị Lý, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, việc xây dựng đời sống văn hóa, nhân rộng các mô hình gia đình tiên tiến luôn được quan tâm thực hiện. Các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tiến bộ, sống kỷ cương, ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương, chung tay cùng cộng đồng xây dựng các công trình phúc lợi, cảnh quan môi trường, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo tiếp tục giảm qua các năm. Đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình được nâng lên. Các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình được quan tâm và gìn giữ.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm lan tỏa, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - quốc gia thịnh vượng", trong đó, giải pháp trọng tâm nhất là công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú. Song song với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cũng được tăng cường tổ chức. Đặc biệt, các hoạt động hướng về cơ sở được chú trọng thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả, gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cơ sở, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị, thông điệp tích cực tới các tầng lớp nhân dân về Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023 trên địa bàn tỉnh, khơi gợi niềm tin, ý thức chung tay để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Hải Yến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-tot-dep-trong-gia-dinh-viet-20230624073158250.htm