Phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực của các tôn giáo - Gọi tên Nam Định (kỳ I)
Thực tiễn sinh động và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - là “chìa khóa” để Nam Định dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đoàn kết lương - giáo ngày càng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Phòng truyền thống chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về lịch sử của nhà chùa; trong đó có trưng bày hiện vật là Huân, Huy chương, Huy hiệu Đảng của các cố Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Thuận Đức;... Ngoài ra còn có những kỷ vật của những vị sư đã “cởi áo cà sa” lên đường tham gia kháng chiến như: chiếc ba lô đã bạc màu, ảnh trong quân ngũ của các nhà sư từng cởi áo cà sa ra trận…
Trong không khí thiêng liêng, thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Phật tử (trong khuôn viên chùa Cổ Lễ), Thượng tọa Thích Thanh Hùng, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Trực Ninh xúc động kể: “Cuối năm 1946, giặc Pháp tiến hành chiếm đóng các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Thế nước lâm nguy, Hồ Chủ tịch đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" hiệu triệu toàn dân tộc, đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là trụ trì chùa Cổ Lễ, đã phát động thành lập đội "nghĩa sĩ phật tử", cho phép các tăng, ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường tham gia đánh giặc cứu nước.”
Cho tôi xem danh sách những nhà sư trong đoàn “Nghĩa sĩ phật tử”, Thượng tọa Thích Thanh Hùng kể: Đúng 8h30 ngày 27/2/1947, đoàn nhà sư gồm 27 vị đến từ các chùa trong khu vực tiến ra xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam bảo nơi lập lễ đài. Thay mặt chư tăng sắp nhập thế, Đại đức Thích Pháp Lữ đứng ra đọc lời phát nguyện: “Chúng con xin dốc lòng phát nguyện/Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.
Đại biểu của Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến từng tay các vị, chấn chỉnh đội hình, hạ lệnh xuất phát. 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc Đoàn.
Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị “Nghĩa sĩ phật tử” chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc và 12 vị đã anh dũng hy sinh. Đó là tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các liệt sĩ mang pháp danh: Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Huyền Cơ, Trí Trung…
Đại tá Đinh Thế Hinh, quê làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành (Xuân Trường), nguyên nhà sư - pháp danh Đại đức Thích Pháp Lữ, là một trong 27 tăng, ni “Cởi áo cà sa ra trận” từng cung cấp nhiều tư liệu quý cho phóng viên Báo Nam Định về những tấm gương của các bậc chân tu tại các địa phương trong tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã bái biệt cửa Phật tham gia lực lượng thanh niên xung phong, Bộ đội Cụ Hồ, dân công hỏa tuyến… “cùng cả nước, vì cả nước” chiến đấu anh dũng; bí mật hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ, tổ chức.
Đại tá Đinh Thế Hinh tâm sự: Tôn chỉ của Phật là từ bi hỉ xả, cứu nhân độ thế, lấy từ bi làm gốc rễ, lấy phương tiện làm cứu cánh. Tuy nhiên trong trường hợp hết sức cần thiết, như lúc nước nhà lâm nguy, giặc là đại diện cho cái ác hoành hành, thì “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” chính là hành động cứu nhân độ thế mà những nhà sư cần làm.
“Những tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các vị chư tôn yêu nước, các chiến sĩ, liệt sĩ pháp danh là minh chứng cao đẹp cho phương châm hoạt động “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo dân tộc” - Đại tá Đinh Thế Hinh quả quyết.
Nam Định là địa phương có lịch sử Phật giáo du nhập sớm, số lượng chức sắc, nhà tu hành và tín đồ đứng thứ 2 miền Bắc (sau Hà Nội). Hiện nay, toàn tỉnh có 845 chùa, 912 tăng, ni trong đó có 10 vị Hòa thượng, 35 vị Thượng tọa, 24 Ni trưởng và 108 vị Ni sư, và khoảng 30 vạn tín đồ quy y Tam bảo, có Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường, Trường Trung cấp Phật học, 8 cơ sở An cư kiết hạ.
Tháng 11/2023, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an) đã đến thăm và làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định; đã khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng đã luôn đồng hành cùng nhân dân, đất nước và dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Đồng chí mong muốn các chức sắc, tăng, ni, phật tử tiếp tục thực hiện, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đóng góp tâm sức của mình vào sự nghiệp đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cùng với chính quyền các cấp xây dựng quê hương, đất nước văn minh, giàu đẹp.
Hòa thượng Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định chia sẻ: Dân tộc ta từ ngày dựng nước đến nay đã trải qua bao lần thăng trầm, biến động lịch sử và xuyên suốt tiến trình đó, Phật giáo luôn khăng khít, keo sơn cùng vận mệnh quốc gia, dân tộc. Trong thời kỳ Bắc thuộc, từ tinh thần nhập thế đã đưa đồng bào Phật giáo cùng với nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ bờ cõi đất nước. Trên mảnh đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay, Vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân đánh tan giặc Nguyên - Mông đã nhường ngôi lại cho con trai và đi tu ở núi Yên Tử, trở thành vị Tổ sư đầu tiên sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (thiền phái duy nhất mang hệ tư tưởng Việt Nam), được người đời tôn là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và có những hoạt động cụ thể đóng góp cho cách mạng. Nhiều chùa chiền là cơ sở, nơi che giấu những nhà cách mạng. Đông đảo phật tử, kể cả tại gia, đều tham gia tích cực vào sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, thống nhất nước nhà, đi đến thắng lợi cuối cùng.
Hòa Thượng Thích Quảng Hà cho biết: Trong sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay, các tăng, ni, phật tử luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Giáo hội đoàn kết, trang nghiêm “hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh”. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã thực hiện tốt chương trình Phật sự, động viên phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác đào tạo, tập huấn kiến thức về tôn giáo, pháp luật của Nhà nước cho các tăng, ni được chú trọng. Ban Trị sự đã tiến cử một số vị có đủ năng lực, trình độ theo học các trường đại học ngoài xã hội để đáp ứng nhu cầu “duy trì đạo nghiệp, hoằng pháp lợi sinh” trong thời kỳ mới…
Công tác trùng tu, kiến tạo cơ sở tự viện, tổ đình, danh lam thắng cảnh của Phật giáo trong tỉnh được thực hiện, góp phần tạo sự trang nghiêm của cơ sở tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc… Trong tổng số 791 ngôi chùa trên địa bàn tỉnh hiện có 31 cơ sở tự viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 69 địa điểm được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong đó, chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường) và Khu di tích lịch sử Đền Trần - Chùa Tháp (Thành phố Nam Định) được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt; lễ hội: Chùa Bi (Nam Trực), Đền - chùa Linh Quang (Trực Ninh), chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ… được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng nhiều công trình như đền thờ liệt sĩ, trạm y tế, cổng làng văn hóa, nhà văn hóa; hiến đất, làm đường giao thông bê tông; xây cầu cho đồng bào miền núi; mua sắm các trang thiết bị trường học, xây dựng phòng học; trồng cây xanh, cây bóng mát. Điển hình là chùa Cẩm (Ý Yên) đã tham gia xây dựng 1 trạm y tế xã, 5 cổng làng, 5 căn nhà đại đoàn kết, 1 cổng nghĩa trang liệt sĩ, nhiều bể nước mưa cho học sinh trên địa bàn huyện Ý Yên, tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Chùa Hoành Nha Chính, chùa Diêm Điền (Giao Thủy) đã ủng hộ và đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng; phát thưởng khuyến học, khuyến tài, khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức lễ xuất quân 2 đoàn chư tăng (gồm 20 chư tăng là các thượng tọa, đại đức) tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đoàn chư tăng đầu tiên ở phía Bắc tình nguyện vào Nam chống dịch. Hình ảnh tình nguyện viên chư tăng của Phật giáo tỉnh Nam Định đã lan tỏa hình ảnh đẹp đến cộng đồng, xã hội. Thượng tọa Thích Thanh Hùng (chùa Cổ Lễ), Trưởng đoàn chư tăng tình nguyện vào Nam chống dịch chia sẻ: “Hơn 1 tháng, tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Long An, các chư tăng không nề hà bất kỳ công việc nào được giao: từ thu gom rác thải y tế nguy hiểm, đưa cơm cho các bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, động viên bệnh nhân... cùng lực lượng tuyến đầu nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, góp sức cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Thầy Thích Thanh Toàn, chùa Vạn Điểm (tục danh là Trần Văn Hùng) là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ 7, Đảng bộ thị trấn Lâm (Ý Yên); là người tu hành, đồng thời là một đảng viên, thầy Toàn luôn cố gắng là công dân mẫu mực, không ngừng tu dưỡng đạo đức và trí tuệ, nêu cao tinh thần hòa hợp của Phật giáo, giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, đem đạo vào đời, vận động tín đồ phật tử xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng chùa tinh tiến. Thầy Thích Thanh Toàn nêu quan điểm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn cổ vũ tăng, ni, phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước, hưởng ứng, tham gia tích cực các công tác ở địa phương, các phong trào hành động cách mạng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là các phong trào từ thiện xã hội, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Đường hướng hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" ngày càng thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả, nó không chỉ là sự hun đúc, hội tụ truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua, mà còn là sự tiếp nối và kế thừa mạng mạch Phật pháp, phát huy tư tưởng nhân văn sâu sắc của Phật giáo, đồng thời cũng tạo nên những nét đặc thù mang đậm bản sắc rất riêng và độc đáo, đó là Phật giáo của dân tộc Việt Nam.” - Thầy Thích Thanh Toàn chia sẻ.