Phát huy giá trị y học cổ truyền
Nhằm mục tiêu giữ gìn những bài thuốc hay, những cây thuốc quý, trong suốt những năm qua, Hội Đông y các cấp trong tỉnh đã vận động những ông lang, bà mế tâm huyết, có tay nghề bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy những bài thuốc gia truyền. Qua đó góp phần không nhỏ trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng của nền y học cổ truyền địa phương.
Hội Đông y huyện Sơn Dương hiện có 364 hội viên thường xuyên hoạt động. Ông Lê Đức Lương, Chủ tịch Hội cho biết, trong 5 năm qua, các lương y, bác sỹ trong hội đã khám cho trên 510.000 lượt bệnh nhân. Điều trị nội trú cho 459 người, chữa bệnh bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu cho hơn 9.000 người, bốc 290.500 thang thuốc điều trị ngoại trú... Bên cạnh công tác khám chữa bệnh cho người dân, hội còn vận động các hội viên sưu tầm, gìn giữ các bài thuốc quý. Các hội viên cũng tham gia nhân giống, bảo tồn các loại dược liệu có tại địa phương như cỏ xước, lạc tiên, thổ phục, bách bộ, ích mẫu, hoàng đằng, sạ nhân… Từ đó, khai thác và sử dụng hiệu quả dược liệu trong điều trị bệnh, hạn chế nhập khẩu dược liệu nước ngoài.
Từ lâu, người dân xã Nhữ Khê (Yên Sơn) đã biết đến lương y Nguyễn Tiến Bình với bài thuốc chữa các bệnh ngoài da như bỏng, hoại tử, lở loét... hiệu quả. Các bài thuốc của ông là sự kết hợp của nhiều loại thảo dược lành tính có tác dụng kháng viêm, giúp nhanh chóng làm khô và lành vết thương. Theo lương y Bình, để có được bài thuốc này, ông phải lên rừng kiếm các loại thảo dược sau đó về băm nhỏ, phơi khô, để nơi thoáng mát rồi bảo quản tự nhiên. Khi sử dụng, các loại thuốc sẽ được rửa sạch, sắc lấy nước cho người bệnh ngâm, rửa, đắp lên vết thương.
Bà Bùi Thị Chính, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, trước đây, bà thường xuyên bị đau nhức xương khớp. Bà đã đến Phòng khám Đông y của Hội Đông y tỉnh để khám và được bốc thuốc chữa bệnh. Đến nay bà đã giảm đau nhức và có thể đi lại bình thường.
Nhiều ông lang, bà mế với những bài thuốc hay đã có những đóng góp tích cực cho nền y học cổ truyền dân tộc. Có thể kể đến như bà Triệu Thị Lưu ở Năng Khả (Na Hang) với bài thuốc chữa xương khớp, cảm mạo, ngộ độc; bà Phan Thị Thi, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) với bài thuốc chữa gan, thận, xuất huyết ngoài da; ông Phạm Xuân Đương, xã Bình Xa (Hàm Yên) với bài thuốc chữa xương khớp; ông Bàn Xuân Đông, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) với bài thuốc chữa hen, dạ dày... Các lương y cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phổ biến những dược liệu quý từ đó nhằm lưu giữ những tinh hoa y học cổ truyền.
Bác sỹ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 2.076 hội viên, trong đó có 22 người là thạc sỹ, bác sỹ Chuyên khoa I trở lên; 138 bác sỹ và 883 y sỹ đông y, lương y. Thời gian qua, các hội viên đã thực hiện 15 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó nhiều đề tài có tính ứng dụng điều trị lâm sàng hiệu quả như: “Đánh giá tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng vận động của bài thuốc Tam tý thang điều trị thoái hóa khớp gối”, “Điều trị hội chứng thắt lưng hông bằng phương pháp cấy chỉ”... Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 1,5 triệu thang thuốc đông y được sử dụng, trên 346 nghìn kg dược liệu được thu hái và chế biến. Qua đó góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Thời gian tới, Hội Đông y tỉnh tiếp tục phấn đấu làm tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh Đông y. Cùng với đó, tôn vinh những thầy thuốc, lương y giỏi có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, kế thừa tinh hoa những bài thuốc cổ truyền dân tộc.