Phát huy hào khí 'Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội', vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, luôn xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Được nhân dân cả nước tin yêu và quốc tế đánh giá cao, Hà Nội - biểu tượng của Thủ đô anh hùng, của dân tộc anh hùng đang vươn mình vào kỷ nguyên mới với khát vọng xây dựng thành phố 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'.

 Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 200.000 người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Sáng 10-10-1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 200.000 người dân Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Mốc son sáng ngời trang sử Việt

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một trong những mốc son rực rỡ. Không chỉ là mốc son đánh dấu thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Giải phóng Thủ đô khỏi ách xâm lược của đế quốc Pháp là sự nghiệp cách mạng vẻ vang của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Chiến đấu ở nơi trung tâm đầu não xâm lược của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến ở Hà Nội tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh nhân dân, điển hình kháng chiến toàn dân, toàn diện trên mặt trận đô thị. Ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới, nhân dân được làm chủ vận mệnh của mình.

Sự kiện lịch sử giải phóng Thủ đô đã mang đến nhiều bài học quý, đó là bài học về xác định rõ vai trò của Thủ đô trong tiến trình kháng chiến; bài học về chuẩn bị tốt mọi mặt đợi thời cơ đến, thực hành tiếp quản thắng lợi, hoàn thành sự nghiệp giải phóng Thủ đô. Lúc 15h ngày 10-10, tiếng còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài, âm vang khắp không gian thành phố, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của Thủ đô Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cột cờ cổ kính. Hàng trăm nghìn người dân Thủ đô nghiêm trang, rạng rỡ, tự hào dự Lễ chào cờ long trọng, chăm chú nghe thư Chủ tich Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày thiêng liêng, trọng đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa, nhưng lòng Chính Phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết". Tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Mốc son lịch sử ngày 10-10-1954 là quá trình nỗ lực, cố gắng, cả những mất mát, hy sinh mà quân và dân ta đã trải qua để giải phóng Thủ đô.

70 năm - chặng đường bứt phá với nhiều kỳ tích vẻ vang

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội.

Trong 10 năm (1954-1964), ở vùng ngoại thành Hà Nội, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi phát triển sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và hợp tác xã. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh. Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân được cải thiện. Hà Nội xây dựng và phát triển nhưng luôn nhớ đến “miền Nam đi trước về sau”, các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”… luôn được các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng.

Ngày 29-6-1966, không quân Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác, Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hà Nội, Luật Thủ đô… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì mức tăng GRDP 6-7%; 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 6,2%; tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có bước phát triển vượt bậc. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm mạnh, bảo hiểm y tế bao phủ trên 93%, năng suất lao động đạt trên 7%; du lịch phát triển; quốc phòng an ninh được giữ vững và tăng cường. Công tác đối ngoại của thành phố đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Trong suốt 70 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đóng góp các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; được Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, 3 lần tặng thưởng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Tự tin cất cánh bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã biểu quyết, thông qua nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa to lớn, dựa trên các giá trị cốt lõi: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị. Sáng tạo chính là động lực lớn nhất để hiện thực “khát vọng hóa rồng”, trên hành trình vươn mình, tỏa sáng hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Khi tròn 100 năm thành lập nước, cũng là tròn 100 năm xác lập vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội phải xứng với vị thế, tầm vóc để bước vào kỷ nguyên vươn mình bứt phá. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội phải cao hơn, mạnh hơn, để hiện thực hóa "khát vọng hóa rồng" của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, của đồng bào cả nước, của bạn bè yêu mến Hà Nội..

Nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô, Đảng bộ TP. Hà Nội xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình GRDP giai đoạn 2021 – 2025 từ 7,5% đến 8,0%; GRDP bình quân/người từ 8.300 USD đến 8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt từ 12.000 USD đến 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD. Hà Nội triển khai 10 chương trình hành động với tầm nhìn không chỉ một vài năm hay một nhiệm kỳ trước mắt, mà nhìn xa hơn, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ là động lực để Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới, mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn khơi lên, tỏa rạng các nguồn lực mới cho chặng đường phía trước. Sáng tạo chính là động lực lớn nhất để hiện thực “khát vọng hóa rồng”. Để hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tỏa sáng trong hình hài Thủ đô mến yêu, một đại đô thị xanh - thông minh - hiện đại, Hà Nội sẽ đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo, phát triển kinh tế số của cả nước. Vì vậy, chính quyền thành phố luôn có tinh thần khởi nghiệp; thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới với nhiều sáng kiến; khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội. Chính quyền thành phố đang khẩn trương, nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng; thu hút và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân sáng tạo khởi nghiệp. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, huy động nhân lực, vật lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế của thành phố thông minh, hiện đại

Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, Hà Nội xác định giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển. Ðây chính là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, thông minh, hiện đại của cả nước, tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Ðông Nam Á và châu Á trên một số lĩnh vực.

Phát huy hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng; kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của Thủ đô, phát huy sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ thành phố Hà Nội nêu cao tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, chuẩn bị thật tốt cho đại hội XVIII của Đảng bộ thành phố; góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Trần Công Huyền

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/phat-huy-hao-khi-thang-long-dong-do-ha-noi-vuon-minh-buoc-vao-ky-nguyen-moi-cua-dan-toc-21774