Phát huy hiệu quả công tác khuyến nông
Năm 2024, hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Trong đó, nổi bật là việc triển khai đa dạng mô hình hỗ trợ, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chuyên môn.
Trung tâm Khuyến nông An Giang đã triển khai hơn 40 mô hình khuyến nông lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Về trồng trọt, đã tập trung thực hiện các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình 6,09 tấn/ha, lợi nhuận 16,4 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, triển khai mô hình trồng mít, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình ứng dụng công nghệ IOT trong sản xuất nấm bào ngư… mang đến thành công bước đầu, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và cho thấy tiềm năng nhân rộng.
Với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, đơn vị cũng hướng đến mô hình mới, ứng dụng công nghệ phù hợp với trình độ người thực hiện, gồm: Nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; nuôi heo rừng lai phục vụ du lịch miền núi; sản xuất giống ốc bươu đồng… đều mang đến lợi nhuận khá cho nông dân.
Về các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông An Giang tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ương giống cá tra 2 giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm 2023 - 2025”, quy mô 2,6ha tại xã Phước Hưng (huyện An Phú), Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) và Hòa Bình Thạnh (huyện Châu Thành). Các hộ tham gia dự án đạt năng suất trung bình 16,6 tấn/ha; tỷ lệ nuôi sống hơn 15%; khối lượng trung bình 45,5 con/kg. Với kết quả tích cực, mô hình sẽ được duy trì, phát triển trong thời gian tới.
Từ dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL” giai đoạn 2022 - 2024, trung tâm thực hiện mô hình tại 3 huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, với tổng diện tích 50ha, năng suất đạt 6,4 tấn/ha, lợi nhuận đạt 33,7 triệu đồng/ha. Đồng thời, tổ chức tập huấn ToT cho 60 cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên trong tỉnh, góp phần nâng cao năng lực của tổ khuyến nông cộng đồng tại cơ sở.
Liên kết thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp doanh nghiệp, tổ chức trong, ngoài tỉnh thực hiện sản xuất lúa hữu cơ; xây dựng mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL; thử nghiệm phân bón hữu cơ Bioway trên lúa và rau màu...
Đặc biệt, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chuyên môn, tích hợp thông tin cung - cầu nông sản trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với nhiều dịch vụ (cung cấp bản đồ chi tiết về vùng sản xuất, thông tin về diện tích, mùa vụ, giá cả đối với các nông sản chính của tỉnh). Đồng thời, phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cung cấp thông tin chi tiết về vùng sản xuất, diện tích cây lúa, cây ăn trái, mã số vùng trồng… phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến phục vụ xuất khẩu.
Trong công tác thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại, đơn vị cung cấp tin, bài, cập nhật giá nông sản tỉnh trên Cổng thông tin điện tử Sở NN&PTNT và Báo An Giang; đưa thông tin, tin tức thị trường nông sản, ấn phẩm báo chí đến 55 quán “Cà-phê khuyến nông” toàn tỉnh. Thu thập, cập nhật thông tin giá cả nông sản hàng ngày của 11 huyện, thị xã, thành phố vào website Sở NN&PTNT, giúp nông dân biết được nhu cầu nông sản trên thị trường, giá cả tiêu thụ để có định hướng sản xuất phù hợp.
Nhìn chung, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cơ giới hóa được triển khai hiệu quả, lợi nhuận thu được cao hơn so với tập quán, tác động tích cực đối với sản xuất và đời sống của nông dân. Việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cũng nâng cao nhận thức, thay đổi tư sản xuất, giúp nông dân bắt kịp xu thế thời đại công nghệ số.
Phát huy những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục triển khai đa dạng mô hình khuyến nông trên toàn tỉnh năm 2025. Tăng cường thông tin khuyến nông, thị trường trên website Sở NN&PTNT và cơ quan báo chí; tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng”. Cùng với đó, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch hỗ trợ cho người trồng lúa theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP, Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; tiếp tục thực hiện các đề án quan trọng của tỉnh, gồm: Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-hieu-qua-cong-tac-khuyen-nong-a409498.html