Phát huy hiệu quả công tác phối hợp đầu tư nguồn vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ngày 23-2, Các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh (HND), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện thỏa thuận liên ngành số 01, 02 về triển khai nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Đến hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay theo thỏa thuận liên ngành 01, 02 tại các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 16.395 tỷ đồng với 140.982 hội viên đang vay vốn, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay theo thỏa thuận liên ngành 01 qua kênh HND là 10.274 tỷ đồng với 89.029 hội viên đang vay vốn; cho vay theo thỏa thuận liên ngành 02 qua kênh Hội LHPN là 6.121 tỷ đồng với 51.953 hội viên còn vay vốn. Chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu là 0,03%.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 4.861 tổ vay vốn. Tổ vay vốn xếp loại A là 4.755 tổ, chiếm tỷ lệ 98%; tổ xếp loại B là 20 tổ, chiếm 0,2%; tổ xếp loại C là 86 tổ, chiếm 1,8%. Hội viên tham gia vay vốn Agribank qua tổ theo thỏa thuận liên ngành 01, 02 được bình xét vay vốn tại tổ, giải ngân, thu nợ tại điểm giao dịch xã, đã góp phần tiết kiệm được chi phí đi lại, và được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, dễ dàng hơn. Việc triển khai cho vay qua Tổ vay vốn, góp phần tạo điều kiện tốt nhất để các hội viên được tiếp cận nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.
Tổ vay vốn còn là nơi để các thành viên gửi gắm niềm tin, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và được ví như “cánh tay nối dài của Agribank” tới người dân.
Kết quả cho vay vốn thông qua tổ vay vốn theo thỏa thuận liên ngành 01, 02 đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hàng chục nghìn hộ là hội viên HND, Hội LHPN để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống. Đây cũng là địa chỉ tin cậy để hội viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản...
Năm 2023, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với HND, Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh thực hiện thỏa thuận liên ngành 01, 02. Mục tiêu phấn đấu dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn tăng trưởng bình quân từ 7,6% trở lên; tỷ lệ nợ xấu dưới 0,2%; các tổ vay vốn xếp loại A đạt từ 98% trở lên; tổ vay vốn đạt 7 yêu cầu từ 38,5% trở lên.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương những kết quả đạt được trong thực hiện thỏa thuận liên ngành 01, 02 giữa Agribank, HND, HLHPN tỉnh.
Đồng chí đề nghị 3 đơn vị tiếp tục bám sát các các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, người dân về vai trò của tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời củng cố hoạt động của các tổ vay vốn, tập trung cho vay các ngành nghề, cây trồng, vật nuôi theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn, nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn, đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương.
Các chi nhánh Agribank tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng; phát huy các điểm giao dịch lưu động tại xã. Quan tâm cho vay đối với khách hàng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị HND, Hội LHPN phát huy vai trò, trách nhiệm triển khai nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên ngành; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại 100% xã, phường, thị trấn và tổ vay vốn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện các công đoạn ủy thác vốn vay và giám sát sử dụng nguồn vốn bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả; tư vấn, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp cùng với các đơn vị tiếp tục triển khai, phát huy có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương. Kịp thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo tại địa phương; thực hiện tốt quy chế hoạt động, giao ban định kỳ theo quy định để nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tồn tại, phát sinh. Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp Giấy xác nhận chưa được cấp Giấy chứng nhận đối với các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nhưng bảo đảm đủ các điều kiện khác, làm cơ sở để ngân hàng thực hiện cho vay vốn.
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân đã được Agribank, HND, Hội LHPN tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện thỏa thuận liên ngành 01, 02 năm 2022.