Phát huy hiệu quả công trình nước sạch nông thôn

Nhờ chủ động các nguồn cung cấp nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước sạch; hàng nghìn hộ dân ở nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Ao Xanh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cung cấp nước sạch cho gần 200 hộ dân thuộc 3 thôn Ao Xanh, thôn 20, thôn 21. Vận hành và đưa vào hoạt động từ năm 2002, đến nay công trình vẫn hoạt động tốt và được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đánh giá là một trong những công trình hoạt động hiệu quả nhất tỉnh.

Ông Hà Văn Đức, thôn 20, thành viên ban quản lý cho biết, vì đây là công trình phục vụ người dân trong thôn và phục vụ chính gia đình mình, nên ban quản lý đã cố gắng vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất có thể. Trung bình mỗi tháng, bà con được cung cấp khoảng 1.600 m3 nước.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Cây Gạo, xã Chi Thiết (Sơn Dương)phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ảnh: Cao Huy.

Từ năm 2013 đến hết năm 2019, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt, đảm bảo cung cấp nước hợp vệ sinh cho 70% số hộ dân trên địa bàn. Chị Sùng Thị Phương, thôn Lè cho biết, trước đây, khi chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, gia đình chị và các hộ dân trong thôn phải đi lấy nước rất vất vả. Cả thôn chỉ có duy nhất 1 giếng, vì vậy mỗi lần đi lấy nước phải chờ cả tiếng đồng hồ. Có hôm không chờ được, chị phải ra suối lấy nước về dùng tạm. Nguồn nước thiếu thốn, gia đình dùng nước rất tiết kiệm. Cả nhà có 5 người nhưng mỗi ngày chỉ được phép dùng 2 thùng nước cho các nhu cầu sinh hoạt. Giờ có công trình cấp nước sinh hoạt, nước được đưa về tận nhà, nguồn nước đảm bảo, thuận tiện, người dân rất phấn khởi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 382 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh được phê duyệt đầu tư 30 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, với tổng vốn thực hiện hơn 187 tỷ đồng; xây dựng mới, cải tạo 195 công trình cấp nước và công trình vệ sinh cho các trường học với tổng vốn hơn 30,3 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho hơn 13.400 hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học. Trong đó, từ nguồn vốn này, năm 2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình này là trên 66 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ tập trung xây dựng 17 công trình cấp nước cho cộng đồng; xây mới, cải tạo 43 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học; hỗ trợ xây dựng 6.600 nhà tiêu hộ gia đình và 15 công trình cấp nước, nhà vệ sinh cho các trạm y tế...

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, để các công trình cấp nước tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt; thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ các công trình cấp nước tập trung.

Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-huy-hieu-qua-cong-trinh-nuoc-sach-nong-thon-129153.html