Những 'điểm nghẽn' cuối cùng trong giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ
Trước những vướng mắc còn lại trong giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc trên, tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình đang khẩn trương giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng dự án theo kế hoạch đề ra...
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, khởi công ngày 1/1/2023 có chiều dài 65,5 km.
Trong đó, đoạn đi qua Quảng Trị dài 32,5 km thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính ở huyện Cam Lộ đã bàn giao 100% mặt bằng sạch vào ngày 28/4/2024, bàn giao các tuyến đường dẫn, đường gom tuyến chính vào ngày 22/6/2024.
Huyện Cam Lộ đang tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng đường gom bổ sung và đường gom 2 bên cầu vượt Quốc lộ 9, xã Cam Hiếu và xã Cam Thủy; đã bàn giao 300/700m đường gom cầu vượt xã Cam Thủy và 250m phải tuyến/900m đường gom cầu vượt xã Cam Hiếu.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng ở một số hạng mục còn lại trên địa bàn huyện Cam Lộ vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường gom cầu vượt Quốc lộ 9 qua xã Cam Hiếu và xã Cam Thủy do người dân còn có nhiều kiến nghị liên quan đến quyền lợi.
Mặt khác, việc áp dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ trong giai đoạn giao thời Luật Đất đai năm 2024, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh với các quy định cũ có một số điểm khác biệt.
Bên cạnh đó, một số văn bản quy định mới chưa đồng bộ, việc hướng dẫn thực hiện của các cấp có thẩm quyền chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng trong việc áp dụng.
Đối với huyện Vĩnh Linh đã bàn giao mặt bằng 14,05/14,25km, còn lại 200m đang vướng mắc có liên quan đến Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị.
Tháng 6/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị thực hiện Dự án di dời và mở rộng nhà máy chế biến dăm gỗ nguyên liệu giấy tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh; quy mô dự án là 6ha. Tuy nhiên, do chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý nên công ty chưa thể triển khai xây dựng hạ tầng để di dời nhà máy đến địa điểm này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa chủ trì cuộc họp với các sở ngành, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ.
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Linh, công ty còn những kiến nghị như giao đất để di dời nhà máy, hỗ trợ chi phí để làm mặt bằng ở khu đất được bố trí di dời, hỗ trợ công nhân và thiệt hại sản xuất do di dời nhà máy.
Tại cuộc cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết lãnh đạo tỉnh sẽ sớm ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất đã bố trí cho công ty, để công ty di dời nhà máy đến sản xuất.
Đồng thời sẽ xin ý kiến của các lãnh đạo UBND tỉnh quyết định trên tinh thần hỗ trợ một phần để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho công ty sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, tổng hợp lại các vấn đề, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị có liên quan để tham mưu, đề xuất, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Ông Đồng cũng giao Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị rà soát lại các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và căn cứ vào nhiệm vụ được giao để tham mưu, đề xuất lên UBND tỉnh nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của các địa phương.
Sở Giao thông vận tải Quảng Trị đẩy mạnh tuyên truyền về dự án, các hạng mục, giải pháp kỹ thuật... để người dân đồng tình, ủng hộ trong quá trình giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện triển khai dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Bình có chiều 32,95km. Trong đó, đoạn địa bàn huyện Lệ Thủy có tổng chiều dài 31,952km.
Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, tính đến ngày 30/9/2024, huyện đã bàn giao 31,77km mặt bằng, đạt 99,45%. Diện tích còn lại chưa được bàn giao là 175m (0,55%), bao gồm: Xã Trường Thủy 105m, xã Phú Thủy 25m và thị trấn Nông trường Lệ Ninh 45m. Đến nay đã thi công được 07/07 điểm hạ ngầm trung thế và 05/05 điểm hạ ngầm hạ thế; thi công 78/84 vị trí móng trung thế và 189/215 vị trí móng hạ thế, đạt khoảng 75% khối lượng.
Đối với di dời hệ thống thông tin liên lạc, đã thi công 09/12 điểm giao cắt đường cao tốc, đạt 85%. Hiện nay, đơn vị thi công đã treo tạm, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công đường bộ cao tốc.
Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến bảng giá đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; việc ban hành quyết định thu hồi đất các công trình, dự án chưa thực hiện được.
Huyện Lệ Thủy kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm tham mưu ban hành quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2024; quy định đơn giá công trình, cây trồng, vật nuôi... làm cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
Về việc chỉ còn vướng 175m chiều dài chưa giải phóng được mặt bằng ở huyện Lệ Thủy, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo: hiện nay toàn tỉnh Quảng Bình chỉ còn huyện Lệ Thủy là chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là không còn thời gian để chần chừ, kéo dài thời gian giải quyết các tồn tại, vướng mắc, vì sẽ ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.
Đối với các trường hợp không chấp hành quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu huyện Lệ Thủy rà soát kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để ban hành quyết định cưỡng chế đúng quy trình, quy định; các trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thì tiến hành cưỡng chế khi thời gian vận động đã hết, khẩn trương hoàn thành bàn giao mặt bằng của dự án cho chủ đầu tư để phục vụ thi công.