Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Cửa Đạt phục vụ sản xuất và dân sinh mùa mưa, bão

Công trình thủy lợi (CTTL) Cửa Đạt là một dự án lớn khai thác tổng hợp nguồn nước sông Chu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Hồ chứa có diện tích lưu vực 5.938 km2, trong đó thuộc địa phận Thanh Hóa là 593km2; dung tích toàn bộ hồ chứa 1,45 tỷ m3 nước.

Kỹ sư, công nhân Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Cửa Đạt trực vận hành xả lũ công trình thủy lợi Cửa Đạt.

Kỹ sư, công nhân Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Cửa Đạt trực vận hành xả lũ công trình thủy lợi Cửa Đạt.

Cho đến thời điểm này, hồ Cửa Đạt lớn thứ hai toàn quốc (sau hồ Dầu Tiếng), có nhiệm vụ: giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước tại Xuân Khánh không vượt quá cao trình +13,71m (lũ lịch sử năm 1962); cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715 m3/s kết hợp phát điện với công suất lắp máy N = 112 MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng Q = 30,42 m3 /s.

Ngày 7/2/2017 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 166/QĐ-TTg đưa CTTL Cửa Đạt vào danh mục CT quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 ban hành danh mục đập, hồ chứa thủy lợi Cửa Đạt thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt. Vùng hưởng lợi của dự án nằm trên địa phận 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 365.182ha.

Đập chính CTTL Cửa Đạt (Thường Xuân).

Đập chính CTTL Cửa Đạt (Thường Xuân).

Thời gian qua, CTTL Cửa Đạt đã phát huy hiệu quả phục vụ tưới, chống hạn cho hơn 86 nghìn ha cây trồng; cắt lũ sông Chu; phục vụ nước sản xuất công nghiệp và sinh hoạt... Tuy nhiên, hồ Cửa Đạt có lưu vực rộng lớn, nguồn nước chủ yếu từ miền núi nước bạn Lào và 2 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An đổ về kết hợp với lòng sông dốc nên nước lũ đổ về rất nhanh.

Để CTTL Cửa Đạt an toàn, phát huy tốt hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh trong mùa mưa, bão năm 2024, tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862 ha đất canh tác, các tháng vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh đã chỉ đạo CT TNHH MTV khai thác thủy lợi Cửa Đạt chủ động thực hiện công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão (PCLB), giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Vận hành công trình hồ Cửa Đạt cắt giảm lũ an toàn trong mùa lũ và tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN hệ thống thủy lợi Cửa Đạt đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên tuần tra, theo dõi diễn biến CT để phát hiện sự cố; chủ động kiểm tra và sửa chữa, bảo dưỡng các hạng mục CT, thiết bị, máy móc bảo đảm vận hành an toàn. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, quan trắc thủy văn lưu vực Cửa Đạt và huyện Thường Xuân để có số liệu quan trắc, tính toán phương án điều tiết và vận hành hợp lý.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN hệ thống thủy lợi Cửa Đạt đã đặt ra một số tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa, bão đối với các hạng mục. Tại mỗi hạng mục CT này, ban đã chuẩn bị đủ vật tư dự trữ, phương tiện, nhân lực... để huy động theo phương án “4 tại chỗ” xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Ví như, tình huống có thể xảy ra đối với đập đá đổ bê tông bản mặt: bê tông bản mặt bị nứt, khớp nối chuyển vị, tấm chắn nước bị đứt, nước thấm qua thân đập về phía hạ lưu. Phương án xử lý sự cố ban đầu là dùng vải chống thấm phủ kín toàn bộ bản mặt đập bị nứt, việc liên kết các tấm vải được thực hiện trên đỉnh đập và dùng tời quay thả xuống theo mái đập, mép dưới của tấm vải được neo một số cục đá để trải vải chống thấm trong nước được thuận lợi. Sau đó đặt bao tải đất, cát đè lên trên. Theo khảo sát của chúng tôi, tại đập chính, hạ lưu đập chính và tràn xả lũ đã được chuẩn bị hàng nghìn bao tải, 13.000 m3 đá hộc, có phương án cụ thể về nhân lực, phương tiện, chủ động xử lý sự cố.

Vật tư dự trữ phục vụ phòng, chống lụt, bão tập kết tại khu vực công trình thủy lợi Cửa Đạt.

Vật tư dự trữ phục vụ phòng, chống lụt, bão tập kết tại khu vực công trình thủy lợi Cửa Đạt.

Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, mực nước hồ Cửa Đạt đến cao trình +105m (báo động I), +110,5m (báo động II), +115m (báo động III), báo động cấp đặc biệt khi mực nước hồ đạt trên +115m. Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh Thanh Hóa đã triển khai phương án bảo đảm an toàn CTTL Cửa Đạt, phương án phòng, chống lũ vùng hạ du Cửa Đạt. Xác định, dự kiến được tuyến lũ quét và phạm vi ngập lụt; đề ra phương án cụ thể bảo vệ, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại cho các khu dân cư, cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; xây dựng phương án sơ tán nhanh chóng, triệt để dân cư trong vùng đến nơi an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, quyết định phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành hồ theo quy định; khi mực nước hồ Cửa Đạt đạt đến cao trình +110m, lưu lượng lũ đến hồ lớn, hồ Cửa Đạt phải vận hành xả lũ. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ; chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư vùng hạ du. Phạm vi ảnh hưởng bao gồm các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn, TP Thanh Hóa. Các huyện, thành phố vùng hạ du đã bổ sung phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Cửa Đạt để chủ động xử lý khi sự cố xảy ra, phát huy hiệu quả công trình phục vụ sản xuất, dân sinh mùa mưa, bão.

Bài và ảnh: Thùy Dương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phat-huy-hieu-qua-cong-trinh-thuy-loi-cua-dat-phuc-vu-san-xuat-va-dan-sinh-mua-mua-bao-223287.htm