Phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa cơ sở
Những năm qua, Đồng Nai đã từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để địa phương thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa gặp không ít khó khăn. Do đó, ngành Văn hóa đang nỗ lực để có những giải pháp phù hợp, mở lối cho hoạt động nhằm phát huy hiệu quả của các thiết chế này.
* Nhiều điểm sáng
Những ngày này, tại nhiều Trung tâm Văn hóa thể thao và học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) hay các nhà văn hóa của 11 huyện, thành phố luôn tấp nập người tới vui chơi, sinh hoạt văn hóa. Mọi người tập trung thành từng nhóm, hòa mình vào các hoạt động học tập cộng đồng, thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, các CLB đờn ca tài tử cũng tập hợp nhau lại luyện tập, chuẩn bị cho Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai năm 2020 diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-6 tới.
Đa số học sinh trong lớp học xóa mù chữ ở Trung tâm VHTT-HTCĐ P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) đều là con em công nhân nghèo, trẻ bán vé số... chưa có điều kiện đến trường. Thầy Lê Văn Bình có hơn 20 năm gắn bó với lớp học xóa mù chữ của P.Quyết Thắng cho biết, hiện tại thầy đang đảm nhiệm dạy 5 lớp xóa mù chữ (50 học sinh) khối tiểu học của trung tâm. Phần lớn học sinh đến với trung tâm hầu như đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, có em không có giấy khai sinh, có em theo cha mẹ bán vé số, có em lớn tuổi không vào trường phổ thông... Các em vừa làm việc phụ giúp gia đình vừa tranh thủ thời gian đến lớp học mỗi ngày.
“Đến lớp học xóa mù chữ, ngoài việc dạy các môn chính gồm Toán, Tiếng Việt tôi còn dạy thêm một số môn xã hội. Thi thoảng có một số sinh viên đến dạy miễn phí tiếng Anh cho các em. Từ các lớp học như thế, số lượng học sinh biết đọc, biết viết đã tăng lên. Đa số các em đều nắm kiến thức cơ bản để làm nền tảng phục vụ cho cuộc sống sau này” - thầy Bình chia sẻ.
Trung tâm VHTT-HTCĐ P.Quyết Thắng từ khi đi vào hoạt động đã tổ chức các lớp thể dục dưỡng sinh, cầu lông, thể dục nhịp điệu, cờ tướng, võ thuật, bóng đá, bóng rổ; mở lớp dạy trang điểm, cắm hoa miễn phí. Trung tâm thường xuyên động viên, khuyến khích người dân tăng gia sản xuất; những nghệ nhân, người có kinh nghệm trong từng lĩnh vực tham gia phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật. Với cách làm này, trung tâm đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân đến vui chơi, học tập, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng.
Có dịp đến Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) vào mỗi buổi sáng sớm hoặc buổi chiều, có thể chứng kiến không khí vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao ở đây thực sự sôi động. Tại trung tâm có hệ thống phòng tập võ thuật, thể hình, khiêu vũ… Việc đầu tư trang thiết bị được xã Phước Thiền quan tâm, ưu tiên đẩy mạnh theo hình thức xã hội hóa.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Thiền Nguyễn Hoàng Linh cho biết, mùa hè là thời điểm Trung tâm VHTT-HTCĐ hoạt động sôi nổi, người dân tập trung đông về trung tâm để sinh hoạt, vui chơi. Ngoài dịp hè, nơi đây vẫn luôn sáng đèn, do có nhiều CLB, hội, nhóm thường xuyên hoạt động. Hiện tại các lớp thể dục thể hình, võ thuật của trung tâm thu hút hơn 150 học viên tham gia. Trong định hướng sắp tới, trung tâm sẽ mở thêm các lớp yoga, nhảy hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của chị em cũng như của thanh thiếu niên trên địa bàn.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Quang Trung (H.Thống Nhất) đã nâng cấp 3 sân cầu lông với tổng kinh phí 30 triệu đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng. Nhiều công trình do cá nhân đầu tư như: Nhà thi đấu cầu lông Soklu với 4 sân thi đấu của gia đình ông Phạm Văn Kiều (ấp 2, Nguyễn Huệ) với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng; Khu liên hợp thể thao Hoàng Long với kinh phí hơn 7 tỷ đồng tại ấp Nam Sơn… thu hút đông đảo các vận động viên và nhân dân đến tham gia luyện tập mỗi ngày.
Hệ thống nhà văn hóa ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng được xây dựng với đầy đủ thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cho nhân dân như: bàn, ghế, hệ thống loa đài, thiết bị chiếu sáng, sân cầu lông… Ngoài việc vận động các cá nhân, mạnh thường quân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, nhiều nhà văn hóa ấp, khu phố còn vận động hỗ trợ kinh phí tổ chức các giải thi đấu, tổ chức biểu diễn văn nghệ, hội thi karaoke. Qua đó, đưa hoạt động phong trào của địa phương phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng.
* “Mở lối” hoạt động tại thiết chế văn hóa
Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn chưa đồng bộ. Nhiều trung tâm VHTT-HTCĐ, nhà văn hóa còn gặp khó khăn, nhất là sự xuống cấp của trang thiết bị, thiếu kinh phí, xây dựng ở vị trí chưa thật sự thuận lợi. Đối với nhà văn hóa các ấp, khu phố, 100% cán bộ quản lý là kiêm nhiệm, trong đó nhiều người trình độ, năng lực tổ chức các hoạt động còn hạn chế…
Sở VH-TTDL cho biết, hiện toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thông tin thể thao cấp huyện hoạt động ổn định. Có 139/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm VHTT-HTCĐ, đạt 81,76%. Có 780/962 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao cấp ấp, đạt 81,76%; có 14 nhà văn hóa dân tộc. Các trung tâm và nhà văn hóa được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới khang trang, sạch đẹp, hằng năm tổ chức và quản lý tốt các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Để hoạt động tại các thiết chế văn hóa hiệu quả, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Mai Thị Chi Liên nhận định, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, công nhân lao động tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại các thiết chế văn hóa, thể thao. Đặc biệt là đưa mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của UBND các xã, thị trấn; đẩy mạnh xã hội hóa khuyến khích tư nhân trong việc xây dựng và quản lý các công trình thể thao như: sân bóng đá, nhà thi đấu, nhà tập luyện thể thao, hồ bơi...
Theo Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Long Khánh Trương Thị Hương, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở; hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất các trung tâm cũng như: nhà văn hóa ấp, khu phố đáp ứng điều kiện sinh hoạt, luyện tập, sáng tạo văn hóa. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và cộng tác viên cơ sở để quản lý và vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo đúng chuyên môn, nghiệp vụ và quy định của pháp luật.
Riêng đối với các địa phương do quỹ đất hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa gặp nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương cần có chiến lược dài hơi trong quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng trung tâm VHTT-HTCĐ, nhà văn hóa của các tổ dân phố. Việc nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả để thu hút được đông đảo người dân đến sinh hoạt, tập luyện cũng là cách tránh lãng phí cơ sở vật chất của các thiết chế này.